Nỗi niềm bức xúc của người cao tuổi hiện nay là tuổi hưởng trợ cấp hiện là 80 tuổi trở lên, quá cao đối với người già.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi do Bộ Lao động thương bình và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 31/8.Phản ánh tại hội thảo, ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam cho biết “Qua tiếp xúc với các chi hội người cao tuổi, bức xúc nhất của người cao tuổi hiện nay là tuổi hưởng trợ cấp xã hội hiện là 80 tuổi quá cao”.Còn mức trợ cấp hiện đang là 270.000 đồng/tháng, tức khoảng 9.000 đồng/ngày theo ông Đắc là quá thấp bởi tính ra nó chỉ tương đương một cái bánh mỳ. Trong khi đó, những người ở độ tuổi 70 – 80 hiện nay đa số từng tham gia kháng chiến, không có thời gian tích luỹ dự phòng cho cuộc sống lúc về già.Vì vậy, ông Đắc kiến nghị lên Bộ cần xem xét hạ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội, từ 80 xuống 75 tuổi và tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội.Theo Bộ LĐ-TB&XH, dân số Việt Nam đang già hoá với tốc độ nhanh. Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 10,5% và dự báo đến năm 2038, tỷ lệ này sẽ đạt 20%.Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã dự báo dân số từ 65 tuổi tại Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện tại, đạt 18,4 triệu người vào năm 2040.“Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh trên thế giới, nhanh hơn bất cứ quốc gia nào, hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ông Philip O’Keefe, chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho biết.Theo WB, tỉ trọng dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) đang ở mức tối đa, như vậy, tỉ trọng này sẽ giảm dần. Trong khi đó, nhóm người từ độ tuổi 65 trở lên sẽ tăng rất nhanh. Như vậy, có thể thấy dân số già sẽ tăng mạnh trong 30 – 40 năm nữa.Việc già hoá dân số đang đặt ra nhiều thách thức cho phát triển kinh tế xã hội. Ảnh hưởng sâu rộng lên thị trường lao động và mang lại nhiều thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, và toàn bộ người dân nói chung.
Theo Trí thức trẻ