Đến năm 2030, sẽ xây dựng 5.000 km đường cao tốc

Đề án xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021-2030 xác định đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ. Trong đó, đến 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Đề án Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021-2030 thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-TW.

Nhiều mục tiêu quan trọng được đề ra trong Dự thảo Đề án, trong đó riêng về định hướng phát triển hạ tầng giao thông, Đề án đã nhấn mạnh mục tiêu tập trung đầu tư hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đồng thời đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng khác kết nối các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP.HCM với các đầu mối vận tải lớn như cảng hàng không quốc tế, cảng biển cửa ngõ quốc tế.

“Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, Dự thảo Đề án đề cập.

Bên cạnh đó, cũng sẽ đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu đáp ứng nhu cầu vận tải, nhất là tuyến kết nối liên vùng, trung tâm các tỉnh/thành, các cửa khẩu quốc tế, các tuyến nối với đầu mối vận tải lớn (cảng biển, cảng đường thủy nội địa, cảng hành không sân bay, các ga đường sắt), ưu tiên các tuyến chưa có cao tốc song hành.

Việc đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển Bắc - Nam nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải, trước mắt tập trung đầu tư hoàn chỉnh đoạn từ Quảng Ninh đến Nghệ An và đoạn qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được nhấn mạnh.

Trong khi đó, về đường sắt, sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao đáp ứng nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam. Đồng thời, xây dựng tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM - Cảng hàng không quốc tế Long Thành đồng bộ với tiến độ Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I.

Việc xây dựng các tuyến đường sắt kết nối đến các cảng biển cửa ngõ quốc tế là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Lạch Huyện và Biên Hòa - Vũng Tàu cũng sẽ được nghiên cứu. Đồng thời, hoàn thành xây dựng tuyến đường sắt còn dở dang là Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ, các tuyến đường sắt kết nối với đường sắt xuyên Á là Vũng Áng - Mụ Giạ và Dĩ An - Lộc nếu có điều kiện về nguồn vốn...

Với đường sắt đô thị, mục tiêu đặt ra là khẩn trương hoàn tất công tác nghiệm thu, sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thi công dở dang là Nhổn - Ga Hà Nội tại Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị mới theo hướng chủ yếu đi ngầm trong khu vực nội đô, chỉ đi trên cao ở các khu vực ngoại ô nhằm hạn chế lưu lượng giao thông trên mặt đất và tránh chanh chấp với hoạt động vận tải đường bộ.

Dự thảo Đề án cũng xác định, trong giai đoạn tới, cần ưu tiên lựa chọn đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án lớn, có tính chất đột phá, lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc của một hoặc nhiều vùng, có tổng mức đầu tư từ nhóm A trở lên.

Đối với các lĩnh vực hạ tầng khác, ngoài lĩnh vực giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng thông tin, viễn thông, mỗi lĩnh vực chỉ chọn lựa không quá 3-5 dự án, để đảm bảo tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực ưu tiên.

Các công trình này phải đảm bảo sự kết nối liên thông, đồng bộ của cả hệ thống kết cấu hạ tầng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm