Theo đó, Chính phủ đôn đốc thực hiện kế hoạch di dời trụ sở của một số bộ, ngành, cơ quan T.Ư hiện nay đang ở trung tâm Hà Nội ra khu vực gần ven đô là rất cần thiết, đồng thời chấm dứt cảnh một số bộ, ngành dù đã ra trụ sở mới nhưng nhất quyết không trả trụ sở cũ cho Nhà nước.
Chọn hồ Tây hay Mễ Trì?
Quy hoạch di dời trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trung ương và các đoàn thể tại Hà Nội, tầm nhìn đến 2030 đã được tính toán, ban hành. Thời gian gần đây, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã rà soát 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương thuộc khu vực nội đô lịch sử giới hạn từ bờ nam sông Hồng đến đường vành đai 2, trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở trung tâm Ba Đình).
Trong số 28 trụ sở đó đã có 11 được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời. Đó là các bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê.
Có 9 cơ quan nằm trong diện xem xét chưa di dời, là các cơ quan có chức năng đặc thù an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, trụ sở làm việc đã được đầu tư xây dựng cải tạo mới, gồm các bộ Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Văn phòng Quốc hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước. Được biết, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đề xuất di dời Bộ Quốc phòng để bảo tồn thành cổ Hà Nội và di dời Văn phòng Quốc hội sau khi công trình nhà làm việc Quốc hội xây dựng xong.
Trong dự thảo quy hoạch di dời trụ sở các bộ, ngành, hiện có các quy hoạch vị trí xây dựng trụ sở mới tại hai khu vực là trung tâm tây hồ Tây và khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại Mễ Trì. Quỹ đất để bố trí các cơ quan đề xuất chưa di dời khoảng 77ha. Trong đó, khu trung tâm tây hồ Tây có quy mô khoảng 27ha, dự kiến sẽ bố trí trụ sở mới các bộ. Khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại xã Mễ Trì có quy mô khoảng 30-50ha, dự kiến bố trí trụ sở mới cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội.
Thực tế đã có tới 8 cơ quan còn lại đã thực hiện chủ trương di dời, nhiều cơ quan hoàn thành việc xây dựng trụ sở mới nằm ngoài nội đô thành phố, gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cạnh nhau (tại Khu đô thị mới Cầu Giấy), Bộ Khoa học và Công nghệ (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy), Bộ Công an (44 Phạm Văn Đồng), Bộ Ngoại giao (đại lộ Thăng Long, huyện Từ Liêm), Thanh tra Chính phủ (Cầu Giấy, gần viện Huyết học), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Khu đô thị mới Cầu Giấy), Tòa án nhân dân Tối cao (Cầu Giấy).
Tại hai khu vực mới là Mễ Trì có quy mô 55ha sẽ có 6 cơ quan thuộc khối văn xã là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Khu trụ sở bộ ngành tại tây hồ Tây có quy mô 20ha, gồm 5 bộ ngành thuộc khối kinh tế là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NNPTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng với bình quân 2-3,5ha/cơ quan.
Trong một cuộc họp gần đây của Bộ Xây dựng có mặt đại diện các bộ, ngành thì nhiều bộ cho rằng với quy mô diện tích 20ha chia đều cho các bộ, khoảng 2ha/bộ liệu có hợp lý, bởi trụ sở của một số bộ hiện có diện tích hiện tại rộng hơn rất nhiều. Riêng dự án về Tháp truyền hình dự kiến khoảng 10ha sẽ được dùng vào việc khác khi dự án hoành tráng này đã bị loại bỏ.
Một trong những vướng mắc khác khiến nhiều bộ dùng dằng chưa đi là việc ra trụ sở mới thì trụ sở cũ thế nào? Có được bán để lấy tiền xây trụ sở mới? Quy hoạch làm trung tâm thương mại hay nhà ở? Trên thực tế nhiều bộ đã chuyển đi rồi nhưng vẫn giữ, hoặc xin được quản lý trụ sở cũ. Hoặc có bộ, ngành nấn ná không muốn di chuyển khỏi trung tâm, hoặc không có tiền để xây trụ sở mới, tìm mọi lý do để được tiếp tục ở lại… phố cổ, đất vàng.
Giải pháp giảm ùn tắc giao thông
Trong văn bản mới ban hành ngày 18.10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận, yêu cầu Bộ Xây dựng làm việc với UBND TP.Hà Nội: “Đề xuất phương án cụ thể việc sử dụng diện tích đất tại các vị trí cũ sau khi các cơ quan di dời đến vị trí mới; đề xuất xây dựng quy hoạch đối với các khu đất tại vị trí cũ để có cơ sở xây dựng phương án huy động tài chính từ quỹ đất sau khi di dời. Khu vực quy hoạch trụ sở mới phải được kết nối thuận lợi với khu trung tâm các cơ quan của Đảng, Nhà nước để đảm bảo sự phù hợp trong hoạt động, sử dụng và giao dịch; kết nối hạ tầng, tạo bộ mặt kiến trúc đô thị văn minh, hiện đại, có quy mô phù hợp và tiết kiệm. Nghiên cứu bố trí quỹ đất dự trữ phát triển, thiết kế công trình theo tiêu chí kiến trúc xanh, đáp ứng điều kiện về môi trường…”.
Một trong những lợi ích mà việc dời các trụ sở ra xa trung tâm chính là góp phần giảm ùn tắc giao thông. Hà Nội từng đưa ra nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông trong nội đô, song có một giải pháp ít được nhắc đến là chuyển các cơ quan hành chính nhà nước từ vị trí trung tâm ra ven đô. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu làm triệt để từ trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể cho tới các sở của Hà Nội thì thủ đô sẽ chắc chắn giảm được quá tải về giao thông.
Trao đổi với Lao Động chiều 20.10, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nhận định, việc di dời trụ sở các bộ ngành là chủ trương đúng, khi các bộ ngành tập trung về cùng khu vực sẽ tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh, khi di dời phải trả lời được vấn đề diện tích đất sau khi di dời các trụ sở được sử dụng vào mục đích gì?
“Mục đích của việc di dời các bộ, ngành là để tránh tập trung các cơ quan đầu não ở trung tâm gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển hạ tầng giao thông. Nếu sau khi di dời lại phê duyệt cho xây dựng nhà ở thì không ổn vì chắc chắn gây ách tắc thêm. Trong nội đô Hà Nội đang thiếu trường học, thiếu sân chơi cho trẻ em, vườn hoa nên xây dựng các công trình công cộng thì có lẽ người dân đồng tình, chứ nếu nhồi nhét hàng loạt các công trình trung tâm thương mại, nhà ở thì chắc chắn người dân phản đối ngay”.
Đề án kéo dài gần 10 năm, nhưng thực tế là cho đến nay Hà Nội chưa thu được khu đất nào để làm công viên hay bãi để xe. Bằng việc quyết liệt của Chính phủ lần này, việc các bộ “dùng dằng” đi-ở chắc chắn sẽ chấm dứt.
Trước việc Phó Thủ tướng yêu cầu đề xuất cụ thể việc sử dụng các khu đất vàng của các cơ quan sau di dời để báo cáo, theo khảo sát của PV Báo Lao Động, với các trụ sở các bộ ngành đã di dời thì các trụ sở cũ trong nội đô, các bộ ngành vẫn quyết tâm bám trụ. Cụ thể, vào cuối năm 2010, Bộ Nội vụ chuyển về trụ sở mới tại số 8 Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy, Hà Nội) với quy mô cao 17 tầng liền khối. Với trụ sở cũ ở 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hai Bà Trưng), Bộ Nội vụ tiếp tục sử dụng và tới gần đây vào tháng 5.2017, trụ sở này được chuyển giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng theo quyết định của Bộ Tài chính.
Còn trụ sở mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên đường Tôn Thất Thuyết rộng 1,38ha, cao 18 tầng với tổng kinh phí đầu tư khoảng 372 tỉ đồng. Dù vậy, bộ này vẫn giữ lại trụ sở cũ tại đường Nguyễn Chí Thanh để sử dụng. Và gần đây nhất, vào tháng 6.2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất chuyển trụ sở về khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) do quá tải về trụ sở làm việc. Tuy nhiên, tại trụ sở cũ ở khu đất vàng số 7 Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm), đơn vị này lại đề nghị đưa một đơn vị vào xây dựng theo hình thức PPP, hợp đồng BT.
Theo Linh Anh - Thông Chí /Lao Động