Đi tìm giải pháp thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam

Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là quá trình quan trọng và cần thiết trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với thách thức về năng lượng và môi trường. Mang nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý của Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực đưa ra các giải pháp thúc đẩy quá trình này...

resized-depositphotos-275713024-xl-9516.jpg
Chuyển dịch năng lượng là quá trình quan trọng và cần thiết trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với thách thức về năng lượng và môi trường

Chuyển dịch năng lượng đóng vai trò then chốt và mang tính quyết định trong cuộc chiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam về việc ngừng phát thải carbon vào năm 2050. Đồng thời, quá trình này góp phần vào bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế bền vững cho mỗi quốc gia.

VIỆT NAM CÓ TIỀM NĂNG RẤT LỚN VỀ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ và hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng khoảng 8-10%/năm trong những năm tới. Bên cạnh đó, vấn đề về nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt đang dần cạn kiệt và gây hại cho môi trường, đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững. Đồng thời, làm gia tăng áp lực phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế.

Do đó, chuyển dịch năng lượng không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam là một đất nước có tiềm năng về năng lượng tái tạo. Điều này được thể hiện ở 6 loại năng lượng.

Thứ nhất là năng lượng mặt trời. Việt Nam có nhiều khu vực có bức xạ mặt trời cao, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Trong những năm gần đây, nhiều dự án năng lượng mặt trời đã được triển khai.

ly-do-den-nang-luong-mat-troi-tuong-khong-tiet-kiem-nhung-lai-tiet-kiem-khong-tuong-6638-5235.jpg
Lượng bức xạ mặt trời trung bình hàng năm ở Việt Nam là khoảng 4 - 5 kWh/m2/ngày

Lượng bức xạ mặt trời trung bình hàng năm ở Việt Nam là khoảng 4 - 5 kWh/m2/ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn.

Thứ hai là năng lượng gió. Các khu vực ven biển miền Trung và miền Nam có tiềm năng gió rất lớn. Việt Nam có tổng tiềm năng năng lượng gió khoảng 513.360 MW. Trong đó, tiềm năng gió trên đất liền là khoảng 42.000 MW và ngoài khơi là khoảng 471.360 MW.

Thứ ba là năng lượng thủy điện. Đây vẫn là nguồn năng lượng chính tại Việt Nam, đóng góp khoảng 30 - 40% tổng sản lượng điện quốc gia. Tuy nhiên, các dự án thủy điện lớn đã gần hết tiềm năng phát triển. Tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ và vừa vẫn có thể phát triển thêm, đặc biệt ở các khu vực miền núi.

Thứ tư là năng lượng sinh khối. Việt Nam có nguồn sinh khối phong phú từ các hoạt động nông nghiệp và chế biến gỗ. Một số dự án năng lượng sinh khối đã được triển khai, chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với sản lượng lúa gạo và các loại cây trồng cao, sinh khối từ rơm rạ, bã mía và các loại cây trồng khác có thể cung cấp một nguồn năng lượng đáng kể.

Thứ năm là năng lượng địa nhiệt. Hiện tại, chưa có dự án phát điện nào từ địa nhiệt tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có tiềm năng địa nhiệt đáng kể và có thể phát triển các nhà máy điện địa nhiệt.

Điều này sẽ mang lại một nguồn năng lượng mới, những cơ hội mới, nâng cao năng lực, trình độ cho các nhà khoa học, tạo ra nhiều công ăn việc làm và góp phần xây dựng nền kinh tế xanh mà Việt Nam đang hướng đến. Nguồn địa nhiệt bản thân không thể giải quyết được căn bản các vấn đề năng lượng nhưng góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Cuối cùng là các dạng năng lượng mới từ đại dương. Đây là dạng năng lượng mới sản xuất năng lượng từ năng lượng thuỷ triều, sóng biển hiện đang bắt đầu được nghiên cứu tại Việt Nam. Việt Nam có lợi thế về bờ biển dài, nhiều đảo nên việc phát triển được nguồn năng lượng từ đại dương là rất hữu ích.

Tiềm năng lớn là vậy nhưng ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo cho biết, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện hiện còn tương đối hạn chế.

Nguyên nhân đến từ một số rào cản chính như tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng chưa được khai thác tối ưu do chính sách, tài chính cũng như năng lực chuyên môn; khả năng nối lưới của các dự án năng lượng và tính ổn định của hệ thống chuyển tải điện cần được cải thiện; chi phí đầu tư cao hơn mức trung bình do giá công nghệ và dịch vụ còn cao…

Song song với đó, công nghệ là yếu tố đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng nhưng trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hóa và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế.

LÀM GÌ ĐỂ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG?

Đứng trước tiềm năng và thách thức trên, tại diễn đàn “Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam 2024”, đại diện các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã có những chia sẻ về việc thúc đẩy phát triển chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.

b6a23cc7dc7c7f22266d-3340-4825.jpg
Đại diện các doanh nghiệp, cơ quan quản lý tham gia chia sẻ tại diễn đàn

Theo đó, bà Dương Vũ, Phó Giám đốc Enertrag Việt Nam cho biết, trong suốt 30 năm hoạt động và phát triển, Enertrag luôn đặt mục tiêu xây dựng các nhà máy điện hoàn toàn có thể tái tạo.

Theo quan điểm của Enertrag, năng lượng đơn lẻ của các tua bin điện gió hay các tấm pin mặt trời là các dạng thức của máy phát điện. Một nhà máy điện hoàn chỉnh có thể liên tục được tái tạo. Các nhà máy phát điện này không chỉ có vai trò sản sinh ra điện lượng mà còn có vai trò duy trì sự ổn định của lưới điện cũng như góp phần điều tần, có thể chuyển đổi và dịch chuyển các điện lượng sản xuất ra từ các nguồn tái tạo.

Thời gian tới, Enertrag sẽ kết hợp nghiên cứu và thiết kế các nhà máy điện tích hợp giữa các nguồn năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời.

Các kỹ sư sẽ thiết kế hệ thống tích hợp cùng với hệ thống pin tích trữ. Tức là kết nối với các nhà máy điện phân hydrogen để tạo ra các chế phẩm tiếp theo có thể là amoniac xanh, methanol, nhiên liệu sử dụng cho ngành hàng không, nhiên liệu cho các xe tải chạy đường dài.

Cùng chia sẻ về giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, ông Trần Đức Nguyên, Phó ban kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Tập đoàn đang áp dụng hệ thống cho phép kiểm soát các nguồn điện, các tổ máy của tất cả nguồn điện trên hệ thống điện theo thời gian thực và hệ thống AGC (Automatic Generation Control).

Hệ thống AGC cho phép Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia ngồi tại chỗ cân bằng các nguồn phát, điều chỉnh được nguồn nào phát trước, nguồn phát sau.

EVN cũng tăng cường công tác dự báo, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài đến nghiên cứu trong nước để đưa ra được các dự báo về nhu cầu công suất phát và tiêu thụ của các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.

Đặc biệt đối với năng lượng mặt trời mái nhà, EVN đã mua lại dữ liệu vệ tinh và bức xạ mặt trời để có dữ liệu đầu vào, giúp cho công tác dự báo về điện năng phát cũng như công suất của tất cả dự án năng lượng tái tạo sát với thực tế và giúp cho hệ thống điện của Việt Nam vận hành một cách linh hoạt, chủ động hơn.

Đồng thời, EVN cũng chủ động nghiên cứu về những công nghệ mới, tiên tiến của thế giới. Trong tương lai, Tập đoàn sẽ áp dụng hệ thống BESS (hệ thống ắc quy lưu trữ) để giúp cho hệ thống điều tần một cách kịp thời.

Với góc nhìn của cơ quan Nhà nước, ông Lê Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, có 2 điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo ông, điều kiện cần là xác định được vị trí của mỗi doanh nghiệp về năng lực cạnh tranh đặt trong bối cảnh của ngành, lĩnh vực quốc tế. Điều kiện đủ là những yếu tố bên ngoài như quá trình, chính sách hỗ trợ phát triển về công nghệ, những chính sách liên quan đến hoàn thiện cơ chế để tạo lập ra các thị trường mới, đáp ứng được những mô hình kinh doanh mới, trong đó có cả những điều chỉnh của mối quan hệ thị trường hiện có.

Ngoài ra, ông Cường cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội rất lớn trong hành trình chuyển dịch năng lượng. Việc chuyển sang một trong ba xu hướng của phát triển ngành điện hiện nay gồm xu hướng phân tán, xu hướng số hóa và xu hướng sử dụng chuyển dịch sang năng lượng ngày càng nhiều sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước.

Thêm nữa, từ trước đến nay, khách hàng chủ yếu là EVN nhưng hiện nay khách hàng rất rộng mở như tư nhân, đầu tư nước ngoài… Từ đó, việc thâm nhập vào thị trường năng lượng tái tạo cũng cởi mở hơn với các doanh nghiệp. Đây là một cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp có thể sẵn sàng dấn thân hơn vào hành trình chuyển dịch năng lượng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...