Đi tìm nhà đầu tư cho dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú gần 9000 tỷ đồng

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là mảnh ghép quan trọng trên tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam và khu vực lân cận…

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là mảnh ghép quan trọng trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương
Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là mảnh ghép quan trọng trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Ngay khi Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, đơn vị chức năng đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Dự kiến, dự án cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027.

Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải cho biết, trước đó, Bộ đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP với tổng chiều dài hơn 60km.

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đánh giá là mảnh ghép quan trọng trên tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng), tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ với Đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài khoảng 220km bao gồm các đoạn: Dầu Giây-Tân Phú dài 60km, Tân Phú-Bảo Lộc dài 67km, Bảo Lộc-Liên Khương dài 74km, Liên Khương-Prenn dài 19km.

Đến nay, đoạn Liên Khương - Prenn đã đưa vào khai thác sử dụng; các đoạn còn lại Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương) đang được các cơ quan chức năng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo.

Để khởi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp, trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và các cơ quan liên quan đẩy nhanh các thủ tục theo quy định pháp luật.

Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có điểm đầu Km0+000, tại khu vực nút giao với Quốc lộ 1, kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km60+243,83 (cuối nút phạm vi giao với Quốc lộ 20), kết nối với Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc (Lâm Đồng), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.981 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng hơn 7.681 tỷ đồng, dự kiến kế hoạch bố trí vốn năm 2025 khoảng 30%, năm 2026 khoảng 40%, năm 2027 khoảng 30%. Vốn Nhà nước tham gia dự án khoảng 1.300 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến kế hoạch bố trí vốn năm 2025 khoảng 62%, năm 2026 khoảng 38%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VACOD-HBA khởi động chuỗi sự kiện lớn tháng 10

VACOD-HBA khởi động chuỗi sự kiện lớn tháng 10

Hòa chung không khí tưng bừng cả nước chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, chủ trì chương trình “Bữa sáng doanh nhân” ngày 31/8, Chủ tịch VACOD–HBA Nguyễn Hồng Sơn công bố những thông tin quan trọng liên quan chuỗi sự kiện lớn tổ chức tại Hà Nội và vùng đất lịch sử Điện Biên thời gian sắp tới…