Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 355,7 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ. Cùng với đó giá vốn cũng giảm 30,3% xuống còn 263,2 tỷ đồng. Giá vốn giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp tăng 36% lên mức 92,5 tỷ đồng; biên lãi gộp cũng tăng từ 15,2% lên 26%.
Sau khi trừ chi phí và thuế, Dịch vụ biển Tân Cảng lãi sau thuế 44,4 tỷ đồng trong quý 2, tăng gần 82% so với cùng kỳ. Riêng cổ đông công ty mẹ lãi ròng 34,7 tỷ đồng , gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Dịch vụ biển Tân Cảng ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 677 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty lại tăng 48% lên mức 78,7 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Dịch vụ biển Tân Cảng tăng nhẹ 4,8% lên mức 2.542 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng nhẹ 25,7 tỷ đồng so với đầu năm lên 179,6 tỷ đồng, chiếm 7% tổng tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 21 tỷ đồng lên 471 tỷ đồng, chiếm 18,5% tổng tài sản.
Xét về cơ cấu nợ của Dịch vụ biển Tân Cảng, tổng nợ của công ty ghi nhận tăng nhẹ so với đầu năm lên mức 1.504 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn là 351,8 tỷ đồng; vay nợ tài chính dài hạn là 743,5 tỷ đồng lần lượt ghi nhận mức tăng 18,7% và 4,2% so với đầu năm.
Được biết, Công ty cổ phần Dịch vụ biển Tân Cảng được thành lập năm vụ biển Tân Cảng 2012, là doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Tân Cảng Sài Gòn hiện đang nắm giữ 36% vốn góp chủ sở hữu của TOS.
Dịch vụ biển Tân Cảng là doanh nghiệp lớn nhất trong 7 doanh nghiệp của “nhà” Tân Cảng hiện có mặt trên sàn chứng khoán. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp tàu dịch vụ dầu khí và khai thác cảng.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch ngày 25/7, sau khi báo cáo tài chính quý 2/2023 của Dịch vụ biển Tân Cảng được công bố, cổ phiếu TOS đã tăng vọt 8,95% lên 34.100 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa trên thị trường ước đạt 1.057 tỷ đồng.