Điểm danh loạt dự án giao thông địa phương chậm tiến độ

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ, chất lượng, giải ngân các dự án giao cho Sở Giao thông vận tải các địa phương làm chủ đầu tư mới đây, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2023 Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 94.100 tỷ đồng...
Điểm danh loạt dự án giao thông địa phương chậm tiến độ

Đến nay, Bộ Giao thông vận tải giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án theo quy định. Trong đó, kế hoạch vốn giao 20 dự án cho 19 Sở Giao thông vận tải giá trị khoảng 2.850 tỷ đồng, chiếm 3% tổng số vốn được giao của Bộ Giao thông vận tải. Đến nay, các Sở Giao thông vận tải đã giải ngân được gần 885 tỷ đồng (đạt khoảng 31% kế hoạch năm).

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, hiện nay có 30 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 20.300 tỷ đồng được giao các Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Đáng chú ý, nhiều dự án không hoàn thành theo đúng kế hoạch trong năm 2022.

Cụ thể, dự án Quốc lộ 279B do Sở Giao thông vận tải Điện Biên làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành, song hiện vẫn còn khoảng 550 m chưa được địa phương phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Dự án Quốc lộ 32C đoạn Hiền Lương – Thành phố Yên Bái do Sở Giao thông vận tải Yên Bái làm chủ đầu tư bị lỡ kế hoạch do vướng mặt bằng. Tính đến hết năm 2022, sản lượng thi công dự án này mới đạt 81%.  Giải phóng mặt bằng mới đạt khoảng 74%, phần mặt bằng còn lại chưa được triển khai do chi phí giải phóng mặt bằng vượt khoảng 100 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt.

Lý do vướng mặt bằng cũng khiến dự án Quốc lộ 37 do Sở Giao thông vận tải Yên Bái làm chủ đầu tư không thể về đích năm 2022, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 95%. Theo báo cáo, công tác giải phóng mặt bằng mới đạt 93%, phần mặt bằng còn lại chưa được triển khai do chi phí giải phóng mặt bằng vượt khoảng 30 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt.

Đối với dự án Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa do Sở Giao thông vận tải Hà Nam làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành yêu cầu là tháng 12/2022, song do chủ đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với địa phương xử lý dứt điểm các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhà thầu chưa quyết liệt triển khai thi công dẫn đến bị vỡ kế hoạch về đích.

Đáng chú ý, dự án Quốc lộ 15A do Sở Giao thông vận tải Nghệ An làm chủ đầu tư nằm trong nhóm dự án không thể về đích năm 2022. Hiện, tuyến chính của dự án này dài hơn 31 km của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 15,1 km, đang hoàn thiện thủ tục nghiêm thu, đưa vào sử dụng 16,6 km còn lại.

Đối với hạng mục bổ sung tuyến tránh khu di tích lịch sử Truông Bồn (3,16 km), công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, đang thi công thảm bê tông nhựa lớp trên và hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án tháng 6/2023, chậm so với yêu cầu gần 6 tháng do vướng mặt bằng.

Tiểu dự án 3 - Dự án Quốc lộ 15 đoạn qua tỉnh Thanh Hóa do Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa làm chủ đầu tư, hạn đích ban đầu là trước ngày 31/12/2022 nhưng dự án cũng không hoàn thành theo kế hoạch. Nguyên nhân do chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng các điểm sạt trượt phát sinh do mưa lũ, khoảng 14 tỷ đồng. 

Đề cập đến các dự án phải hoàn thành năm 2023, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết hiện nay, tuyến tránh phía đông Thành phố Buôn Ma Thuột do Ban Quản lý dự án tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư đang bị chậm tiến độ.

Dự án gồm 2 gói thầu xây lắp, sản lượng đạt khoảng 20,1%, chậm 40% so với kế hoạch chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng chậm kéo dài, chi phí giải phóng mặt bằng vượt 331,7 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt, vướng mặt bằng nút giao Quốc lộ 26 nên không tiếp cận được công trường, nhà thầu chưa tập trung thi công.

Tiến độ thi công của dự án rất chậm, có nguy cơ không hoàn thành theo kế hoạch. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với các cấp chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tương tự, dự án Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, giai đoạn 3 do Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp làm chủ đầu tư cũng đang bị chậm tiến độ. Sản lượng dự án mới đạt hơn 20%, chậm khoảng 0,82% so với kế hoạch. Nguyên nhân do thời gian gia tải, chờ lún kéo dài, công tác di chuyển thiết bị, vận chuyển vật liệu khó khăn, nguồn vật liệu cát khan hiếm. Ngoài ra, một số nhà thầu chưa huy động đủ máy móc, thiết bị, tài chính để thi công. 

Có thể bạn quan tâm