Diễn đàn do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và Tạp chí Thương Gia phối hợp tổ chức.
Đây là lần đầu tiên một sự kiện bất động sản công nghiệp quy mô lớn được diễn ra tại Việt Nam với chủ đề xoay quanh những vấn đề nóng nhất về bất động sản công nghiệp.
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các bộ ngành, đại diện hiệp hội bất động sản Việt Nam, đại diện các hội, hiệp hội tỉnh thành và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo nhận định từ các chuyên gia, thị trường bất động sản công nghiệp bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ và bùng nổ. Bất động sản công nghiệp Việt Nam có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Cùng với đó, các chính sách mới của Việt Nam về bất động sản công nghiệp, chiến lược cơ cấu lại ngành công nghiệp, khung pháp lý mới về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, cụm công nghiệp đã mở ra nhiều cơ hội phát triển các khu công nghiệp trên cả nước, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tận dụng cơ hội này….
Phần I: Bối cảnh mới - Chính sách mới - Cơ hội mới
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong xu thế thị trường BĐS sẽ đi vào trật tự và ổn định hơn, khi được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, từ bối cảnh cho đến chính sách…, phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội phát triển... Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Nguyên Thứ tưởng Bộ Xây dựng đánh giá, trong khoảng 3 năm gần đây, các bộ luật liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản đã đi vào cuộc sống, thị trường có nhiều chuyển biến theo hướng tăng trưởng đều và ngày một bền vững hơn. Lượng giao dịch hàng hóa bất động sản tăng, nhưng giá không tăng mạnh, không có cảnh sốt nóng, trong khi số lượng người mua chuyển về sinh sống tại các dự án chiếm tỷ lệ cao. "Đây là chỉ số quan trọng để đưa ra nhận định rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phát triển ổn định hơn", ông Nam khẳng định.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã có sự khôn khéo, linh hoạt hơn trong việc cơ cấu loại hình và quy mô sản phẩm, tránh đi phải vết xe đổ của thị trường giai đoạn 2008 - 2013, còn người dân cũng bắt đầu có kinh nghiệm hơn trong việc mua bán, đầu tư vào bất động sản. Các dự án hoàn thành được đưa vào sử dụng nhiều hơn, trong khi cơ cấu sản phẩm của doanh nghiệp cũng sát hơn với nhu cầu ở thực của người dân.
Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường đang ổn định, phát triển đồng đều trên mọi phân khúc. Tại Hà Nội, lượng cung bất động sản năm 2018 đạt 44.788 sản phẩm, tăng 123.7% so với năm 2017. Sản phẩm căn hộ vẫn là chủ đạo, chiếm 87,26% lượng hàng trên toàn thị trường. Trong đó, chung cư vượt 114.2% và sản phẩm biệt thự, liền kề, nhà phố vượt 2,9 lần. Tại TP.HCM, lượng cung năm 2018 đạt 49.948 sản phẩm, tăng 116.2% so với năm 2017 (43.004 sản phẩm). Sản phẩm căn hộ vẫn là chủ đạo với 44.451 sản phẩm, tăng 120.97% so với năm 2017 (37.076 sản phẩm), chiếm xấp xỉ 90% lượng hàng trên toàn thị trường TP.HCM.
Tuy nhiên, ngoài những điểm mạnh, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có những khó khăn nhất định. Đơn cử, đa số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản của Việt Nam quy mô vẫn còn khá nhỏ, nguồn vốn phát triển chủ yếu là vốn vay ngân hàng và huy động từ khách hàng. Trong khi đó, bắt đầu từ năm 2017, Chính phủ đã có biện pháp hạn chế dòng vốn vay cho thị trường bất động sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, do những vướng mắc về mặt pháp lý, một số phân khúc như condotel, officetel cũng đang điều chỉnh xuống – không còn sôi động như giai đoạn 2015 - 2017…
Ông Nam cho rằng, phân khúc căn hộ cao cấp sẽ có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Trong khi đó, phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở trung cấp vãn giữ vai trò chủ đạo nhưng khó phát triển trong ngắn hạn khi chỉ tập trung ở ven đô, xa trung tâm, và chúng ta thấy có bất cập là hạ tầng, tiện ích, dịch vụ còn đang rất yếu và thiếu. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phát triển song còn trở ngại. Tuy nhiên, riêng phân khúc bất động sản công nghiệp lại đang và sẽ nhận được sự kỳ vọng và quan tâm rất lớn của thị trường.
"Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tính đến hết năm 2018, cả nước có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần xấp xỉ 93 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đạt 73%. Những số liệu trực quan trên phần nào đã thể hiện độ "hot" của phân khúc bất động sản công nghiệp.
Kết thúc bài phát biểu, ông Nam khẳng định, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nói về vấn đề này, không nên dùng từ phát triển mà dùng từ cơ hội mới, xu thế mới để nói về một khả năng đầu tư dành cho mọi doanh nghiệp.
Bởi, dù tăng trưởng vẫn còn nhiều thách thức, song nền kinh tế đã có điểm nhấn. Tăng trưởng đã dần được khôi phục lại kể từ năm 2016 đến nay; tỷ trọng thương mại quốc tế so với GDP năm 2017 đạt mức cao nhất trong số 20 quốc gia đông dân nhất thế giới.
Đặc biệt, kinh tế Việt Nam không thể không nói đến những trào lưu mới tạo nên những sự chuyển dịch mới có quy mô lớn ở trong nước.
“Tôi khẳng định, quá trình đô thị hoá sẽ tạo nên những ảnh hưởng tích cực trên thị trường và tạo nên những thay đổi lớn”, ông Cung nói.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng: phân bổ nguồn lực dựa trên nguyên tắc thị trường; tăng trưởng theo chiều sâu trên nền tảng của KHCN và đổi mới sáng tạo; phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Việc chuyển đổi cơ cấu công nghiệp hướng đến những ngành công nghiệp chế tác, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên nền tảng CN 4.0, kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng thương mại điện tử đang tạo nên nhu cầu phát triển nhu cầu hạ tầng và công nghệ hiện đại, kết nối xuyên suốt và đồng bộ.
Trong khi đó, Việt Nam lại đang thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2018, tổng vốn FDI cam kết đạt gần 35,46 tỷ USD; tổng vốn FDI vào KCN, KKT và vốn tăng thêm đạt trên 8,3 tỷ USD. Chiến lược thu hút FDI đang được xây dựng hướng tới nguồn vốn FDI thế hệ mới với tiêu chuẩn cao về công nghệ và phát triển bền vững trong khi đó, nguồn cung BĐSCN lại chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đặc biệt, ngành công nghiệp chủ đạo hiện nay phần lớn vẫn là ngành sản xuất cơ bản, chủ yếu là thâm dụng vốn lao động với hạ tầng, nhà xưởng có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp. Yêu cầu này đòi hỏi phải dịch chuyển sản xuất hàng hóa lên bước cao hơn: Những ngành nghề “xanh”, sử dụng lao động hiệu quả và hàm lượng công nghệ cao sẽ là thế hệ khách thuê BĐSCN mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm chất lượng cao.
"Những yếu tố trên đang tạo nên một yêu cầu mới cho hệ thống BĐSCN với tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn", ông Cung khẳng định.
“Tôi đã nhìn thấy thực tế tại các KCN. Chúng ta phải nâng cấp giá trị của các KCN hiện hành, không nên áp mệnh lệnh hành chính mà hãy để KCN phát triển theo cơ chế thị trường".
TS. Nguyễn Đình Cung
Ông Cung phân tích thêm, sự thay đổi có thể là đa dạng hoá các loại hình KCN thành khu đa chức năng. Mô hình này vẫn đã manh nha từ Nghị định 82-/2018/NĐ-CP, KCN sinh thái, KCN đô thị - dịch vụ.
“Trên thực tế đã có KCN Chu Lai của Thaco”, ông Cung khẳng định tiếp.
Với những xu hướng trên, ông Cung cho rằng, cần cách tiếp cận tổng thể, không chia cắt KCN và khu đô thị; không chia cắt “phụ trợ” và “không phụ trợ”; không giới hạn hay khống chế “đất khu độ thị” và “đất công nghiệp nếu cần”…
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ths. Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế đánh giá, việc xây dựng và phát triển KCN đã trải qua 5 giai đoạn với những đặc điểm phát triển riêng.
Hiện, cả nước có 326 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha và 251 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha.Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt 73,9%. 88% KCN đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Tuy nhiên, có một vấn đề rằng, các KCN cũng đang gặp một số hạn chế như: công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội và đời sống công nhân trong KCN chưa được cải thiện rõ rệt; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với ngành nghề thu hút đầu tư trong các KCN còn thiếu; việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN còn khó khăn; chính sách hiện hành còn một số điểm vướng mắc chưa thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển các KCN.
"Trước hạn chế này, ông Trung khẳng định, Việt Nam đang thực hiện nhiều chính sách mới về phát triển KCN với những chính sách ưu đãi đầu tư như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi đất đai cùng sự hỗ trợ của Nhà nước đối với đầu tư cơ sở hạ tầng...
Đồng thời, Chính phủ cũng đang nghiên cứu phát triển một số mô hình KCN mới, hoàn thiện quy định của pháp luật về mô hình KCN, đô thị, dịch vụ, để phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Đánh giá về nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Stephen Wyatt - Tổng Giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, trong tương lai, sẽ có sự dịch chuyển các nhà đầu tư FDI theo ngành nghề và vùng mình tạo nên mô hình mới.
JLL đánh giá, thị trường công nghệ đang gia tăng mạnh mẽ. Xu hướng này cũng đã xuất hiện tại các KCN từ Bắc đến Nam khiến diện tích dành cho nghiên cứu và sản xuất công nghệ cũng gia tăng. Các khu vực như Bình Dương, Long An… đã thấy điều này rất rõ.
“Tuy nhiên, việc phân bổ diện tích KCN phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP. HCM và các KCN trọng điểm kẻ trên. Còn tại các KCN thuộc miền Trung, Trung Bộ thì lại không đạt được độ phủ diện tích như vậy”, ông Stephen khẳng định.
Chính vì vậy, ông Stephen nhấn mạnh, đầu tư hạ tầng là sẽ một trong những ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của KCN Việt Nam trong tương lai, sẽ tạo nên sự thay đổi lớn cho thị trường BĐS CN.
"Xu hướng công nghệ 4.0 ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường thì điều quan trọng chính là Việt Nam phải nhìn nhận đúng vị trí, tiềm năng, vị thế của quốc gia trong cuộc chạy đua công nghệ này. Điều này sẽ tạo nên sự phát triển đúng hướng, đúng quy luật thị trường, đặc biệt là vị trí trong phân khúc thị trường liên quan đến hệ thống kết nối vật lý ảo, kết nối vạn vật (IoT), hệ thống mạng...
Ông Stephen - TGĐ JLL Việt Nam
Đại diện JLL cũng khuyến nghị, hướng đi trong tương lai của Việt Nam là khai thác tối đa tiềm năng trên các phương diện như tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tận dụng sự dịch chuyển từ Trung Quốc, khai thác tối đa tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp của Đông Nam Á, tập trung vào những vùng kinh tế trọng điểm để tạo thuận lợi cho DN và đặc biệt là phải tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hàng hoá", ông Stephen nhấn mạnh.
Con đường phía trước của Việt Nam sẽ là những giai đoạn phát triển tiếp nối nhau. Đầu tiên là, các dịch vụ logictis cần được thúc đẩy hơn nữa. Thứ hai, cần tạo ra thành phố đáng sống để thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0.
Nhấn mạnh về xu hướng hình thành mô hình KCN mới, ông Ngô Hữu Tiệp - CEO GIZA E&C cho rằng, xu hướng thiết kế, xây dựng khu công nghiệp cần được thiết kế quy hoạch từ góc nhìn quy chuẩn, tiêu chuẩn mới.
"Xuất phát từ thực tế rằng sự phát triển nhanh chóng của các KCN và cùng với đó là quá trình mở rộng sản xuất bên cạnh việc tạo ra công ăn việc làm cho đông đảo người lao động, đóng góp cho ngân sách góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì cũng ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, tác động xấu đến cuộc sống của người dân xung quanh. Chưa kể đến việc các nguồn tài nguyên chưa được sử dụng tối ưu, sự kiên kết giữa các doanh nghiệp cùng khu và giữa các KCN chưa mạnh mẽ, các dịch vụ phục vụ các nhà đầu tư tại các KCN chưa đầy đủ và đáp ứng được các yêu cầu của các khách hàng", ông Tiệp phân tích.
Ngoài ra, số lượng người lao động, cán bộ quản lý, chuyên gia tập trung với số lượng lớn cũng làm xuất hiện các yêu cầu mới đối với việc đảm bảo các hạ tầng xã hội và dịch vụ phục vụ cho cuộc sống công nghiệp hiện đại.
Bên cạnh đó, với tư cách là một nhà thầu hạ tầng khu công nghiệp, GIZA nhận thấy, cần định hướng ngành nghề rõ ràng, đặc thù hơn tại các KCN hỗ trợ, KCN - đô thị - dịch vụ, KCN sinh thái để thu hút các doanh nghiệp liên kết.
"KCN cần phải thực sự phù hợp với từng nhóm, trọng điểm, gắn liền với nhóm ngành mục tiêu.
Ông Ngô Hữu Tiệp - CEO GIZA E&C
Ngoài ra, cần liên kết nội khu của KCN chặt chẽ hơn bằng cách các nhà quy hoạch, thiết kế…; gắn chặt quy hoạch, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất gắn liền với hạ tầng xã hội. Và cuối cùng, quy hoạch và thiết kế các KCN an toàn hơn, sạch - xanh - đẹp hơn và nhân văn hơn.
Nói thêm về các yếu tố thu hút nhà đầu tư, ông Trần Ngọc Anh – Phó TGĐ Tổng công ty Viglacera cho rằng, vị trí địa lý thuận lợi là một trong những yếu tố ảnh hướng rất lớn.
Đơn cử, việc Viglacera có vị trí địa lý thuận lợi đang tạo nên những ưu thế nhất định. "Với hơn 20 năm kinh nghiệm, Vilacerga đang có 12 KCN hoạt động với tổng diện tích 4.065 ha. Các KCN này thu hút các DN hàng đầu thế giới như Canon, Samsung, Yakazi… và các DN lớn trong nước", ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, các KCN của Viglacera tập trung tại các khu vực trọng điểm, lại có các quỹ đất lớn, sẽ có thể đáp ứng các nhu cầu sản xuất, xây dựng nhanh của nhà đầu tư...
"Khi chủ các KCN có thể nêu bật được những đặc điểm nổi bật riêng của mình, đồng thời tìm hiểu và đáp ứng được nhu cầu của đối tác... sẽ là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và nổi bật cho các KCN.
Ông Trần Ngọc Anh - Phó TGĐ Tổng Công ty Viglacera
Phần II: Đối thoại dành cho các nhà đầu tư
PHIÊN THẢO LUẬN 1: Bàn về Khu Công nghiệp, Đô thị & Dịch vụ - Cơ hội đầu tư kinh doanh và phát triển
Phiên thảo luận có sự tham dự của ông Nguyễn Tiến Tài – GĐ sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, ông Trần Minh Hoan – Trưởng ban quản lý KCN tỉnh Nam Định; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban Quản lý các KCN, KKT các tỉnh phía Bắc; GS Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường; và ông Hoàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch tập đoàn CTCP Đầu tư Phát triển N&G (HN), dưới sự điều phối của TS. Nguyễn Đình Cung.
Tại phiên thảo luận, ông Trần Minh Hoan cho rằng, xây dựng khu công nghiệp địa phương đã giải quyết được nhiều vấn đề. Các khu công nghiệp được xây dựng ở đây đều hướng tới khu công nghiệp xanh nhưng chưa hướng tới khu công nghiệp dịch vụ.
Trước câu hỏi của ông Cung, liên quan đến sự chồng chéo quy định và có quá nhiều các thông tư đươc ban hành khiến các DN lúng túng, ông Nguyễn Tiến Tài – GĐ sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cũng khẳng định, cần chính thức tạo hành lang pháp lý trong đó có khu đô thị dịch vụ. Mô hình này đang mới, cần lựa chọn nhà đầu tư công nghiệp. Tuy nhiên Nghị định 82 chưa đưa ra cơ chế này. Đây là hạn chế của Nghị định 82.
Ông Hoàng Văn Dũng cho rằng, thực tế hiện nay Chính phủ đang có xu hướng tập trung những ngành công nghiệp có giá trị cao hơn tuy nhiên vẫn cần có nơi ăn chốn ở cho người lao động, do đó Nghị định 82 đã thành công tuy nhiên cần đi vào thực tiễn hơn nữa.
Đánh giá về quá trình triển khai Nghị định 82, GS Đặng Hùng Võ cho biết, các quy định của nghị định 82 mặc dù không mới, tuy nhiên phương thức thực hiện là mới. Hơn nữa, nghị định cho phép chúng ta liên kết với nhau và nhấn mạnh yếu tố phát triển xanh và thông minh để tạo ra liên kết và phát triển lành mạnh, đời sống người dân gắn liền với phát triển dịch vụ.
"Theo đánh giá của ông Cung, sự ra đời của Nghị định 82, tôi đồng ý, là chậm. Có một thực tế là, các quy định pháp luật Việt Nam hiện nay đang chạy theo sau cuộc sống chứ chưa thể hiện được vai trò định hướng. Sự thận trọng trong việc đưa ra Nghị định là quá mức, không nên!
GS. Đặng Hùng Võ
Trước những thực trạng của KCN- đô thị - dịch vụ, ông Trần Công Hoan nhấn mạnh, "chúng tôi đã nhiều lần đề xuất lên các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ xây dựng và ban hành Luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và mong muốn Luật này sớm được ban hành,
nhằm cải thiện những vấn đề đang còn vướng mắc hiện nay.
Đồng quan điểm với ông Hoan, ông Nguyễn Tiến Tài cho rằng, cần nghiên cứu đến vấn đề xây dựng Nghị định 82 lên thành luật.
PHIÊN THẢO LUẬN 2: Khơi dậy làn sóng đầu tư mới vào bất động sản công nghiệp
Phiên thảo luận có sự tham dự của ông Phan Hữu Thắng – PCT VNREA (Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài); ông Kenichi Yoshioka - Tổng GĐ Công ty KAGA Electronics; ông Yoshio Saeki - Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Phát triển Hải ngoại, FUJITA CORP; bà Trương Tú Phương –Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ CTCP Đại An; Chủ đầu tư KCN ĐẠI AN.
Chia sẻ về nguồn vốn đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng – PCT VNREA, Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài chia sẻ nhiều vấn đề về những khó khăn cũng như thuận lợi khi doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam. Những khó khăn và thuận lợi vốn đã được nói đến rất nhiều đặc biệt là từ kinh nghiệm hơn 30 năm thu hút FDI của Việt Nam.
Lợi thế nguồn nhân lực, mở cửa của chính sách, lực hấp dẫn từ thị trường... là những lợi thế của Việt Nam để thu hút FDI. Nhưng bên cạnh đó, Việt Nam còn có những hạn chế rất đặc trưng như khả năng quản trị, hấp dẫn công nghệ. Đây luôn là rào cản lớn.
"Doanh nghiệp FDI đầu tư Việt Nam rất lớn, tuy nhiên họ đầu tư có chất lượng hay không còn tuỳ thuộc vào chúng ta.
Ông Phan Hữu Thắng
Là đại diện một DN nước ngoài tại Việt Nam, ông Yoshio Saeki - Giám đốc điều hành, Trưởng Bộ phận Phát triển Hải ngoại, FUJITA CORP cho rằng, Việt Nam vẫn là thị trường số 1 để đầu tư.
"Tuy nhiên điểm yếu tại Việt Nam đó là các khu công nghiệp của Việt Nam không có cảng nước sâu. Nguồn nhân lực cần đào tạo để có chất lượng cao hơn hiện tại mặc dù người Việt Nam rất cần cù và chịu khó. Bên cạnh đó, những người lao động không có nhà ở, trường học của con em họ. Mong muốn cùng Chính phủ Việt Nam giải quyết phần nào vấn đề này", ông Yoshio Saeki phân tích.
Nhưng để được hưởng các điều kiện đầu tư như thế nào để tăng cường sự đầu tư tại Việt Nam, ông Kenichi Yoshioka - Tổng GĐ Công ty KAGA Electronics cho rằng, với kinh nghiệm đầu tư 80 nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, chúng tôi cho rằng, chúng tôi gặp khó khăn trong vấn đề cung cấp nguyên vật liệu tại Việt Nam. Thực thế là, chúng tôi đang bị thiếu khoảng 90% nguồn nguyên vật liệu", ông Kenichi Yoshioka cho biết.
"Liên quan đến các quy định pháp luật, nhiều quy định hiện vẫn chưa rõ ràng. Rất mong Chính phủ Việt Nam hỗ trợ DN FDI trong vấn đề này.
- Ông Kenichi Yoshioka -
Bà Trương Tú Phương quan điểm rằng, có nhiều KCN đơn cử như KCN Đại An của chúng tôi không phải là KCN lớn so với cả nước tuy nhiên Đại An đã đóng góp không nhỏ trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng tôi cũng thành công trong việc xây dựng văn hoá công nghiệp thế hệ mới. DN Việt Nam trong đó có Đại An cũng đã được hội nhập được nhiều nền văn hoá, xây dựng nội lực…
Đó chính là những giá trị mà KCN mang lại khi có sự xuất hiện của dòng vốn nước ngoài. Và nếu thu hút thêm được nguồn vốn này, sẽ còn có thêm nhiều sự thay đổi, cải tiến hơn nữa trong tương lai.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam và bà Nguyễn Thuỳ Dương - Tổng Biên tập Tạp chí Thương Gia trao giấy chứng nhận cho các DN, nhà tài trợ
Kết thúc diễn đàn, đại diện BTC đã trao chứng nhận nhà tài trợ cho các DN và các nhà tài trợ.
"Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2019: Bối cảnh mới – Chính sách mới – Cơ hội mới" đã được tổ chức thành công, liên kết được đại diện bộ, ngành, hiệp hội các tỉnh thành, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trong tương lai, việc tổ chức diễn đàn tiếp tục là cầu nối để chia sẻ quan điểm, nhìn nhận thực trạng và mang tới những đóng góp và khuyến nghị chính sách đa chiều để phân khúc BĐS CN cất cánh trong tương lai.