Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2019: "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh"

Mặc dù đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên vẫn còn đó những “điểm nghẽn” cần phải tháo gỡ mới hy vọng, trong thời gian tới ngành du lịch sẽ thực sự “cất cánh”.

Ngành Du lịch có bước phát triển vượt bậc

Tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019 diễn ra mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng nhấn mạnh: Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tỉnh/ thành phố, các doanh nghiệp và cộng đồng, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017 và năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Trong đó các nhóm chỉ số tăng hạng nhiều nhất: Mức độ mở cửa quốc tế (+15); Sức cạnh tranh về giá (+13); Hạ tầng hàng không (+11) so với năm 2017.

Để ngành du lịch thực sự "cất cánh" rất cần sự gia tăng mạnh mẽ về chất lượng
Để ngành du lịch thực sự "cất cánh" rất cần sự gia tăng mạnh mẽ về chất lượng

Năm 2019, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới; được bình chọn là: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; thành phố Hội An được bình chọn là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019.

Tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,81 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018. Đây là lượng khách cao kỷ lục của một tháng, gấp 1,5 lần lượng khách tháng 11/2017, gấp 2 lần so với lượng khách tháng 11/2016.

11 tháng đầu năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 16,3 triệu lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong khi đó theo UNWTO, lượng khách quốc tế đến châu Á và Thái Bình Dương tăng khoảng 6%, đến Đông Nam Á tăng khoảng 5%. Dự kiến cả năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 720.000 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã đặt ra từ đầu năm.

Cùng với những số liệu khả quan về lượng khách và tổng thu từ khách du lịch thì hạ tầng ngành du lịch cũng được quan tâm, đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch cao cấp. Đến nay, cả nước có 29.000 cơ sở lưu trú với 590.000 buồng, trong đó có 166 khách sạn 5 sao với 56.542 buồng, 291 khách sạn 4 sao với 38.771 buồng lưu trú.

Các thương hiệu quốc tế lớn về khách sạn của thế giới đều đã hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như Accor, Marriot, Hyatte, Intercontinental, HG, Four Seasons; nhiều dự án du lịch quy mô lớn với chất lượng và đẳng cấp quốc tế do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư được khởi công xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác tại các địa phương như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long, Sa Pa…đã góp phần thay đổi hình ảnh và nâng cao chất lượng của du lịch Việt Nam; tạo động lực, đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả nước.

Nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”

Tuy vậy, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cũng cho rằng: Bên cạnh những tín hiệu tích cực như có tốc độ tăng trưởng tốt, còn nhiều dư địa để phát triển thì ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức để phát triển bền vững. Trước mắt, ngành còn nhiều việc phải tập trung thực hiện để đến năm 2021, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam ở nhóm 50 thế giới.

Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019 thu hút đông đảo đại biểu tham dự
Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019 thu hút đông đảo đại biểu tham dự

Cụ thể, năm 2019, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam dù được cải thiện nhưng nhiều chỉ số còn bị tụt hạng và ở mức thấp. Nhiều hạn chế, “điểm nghẽn” để phát triển du lịch chưa được giải quyết triệt. Công tác xúc tiến quảng bá chưa thực sự hiệu quả do hạn chế về nguồn lực, cơ chế vận hành, chưa thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Quỹ hỗ trợ và phát triển du lịch chưa được vận hành và đi vào hoạt động. Hạ tầng sân bay có xu hướng quá tải, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng cao về số lượng khách du lịch. Chính sách thị thực nhập cảnh còn hạn chế so với các điểm đến cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Đồng quan điểm, từ góc độ Văn phòng Chính phủ, cơ quan tham mưu, tổng hợp cho lãnh đạo Chính phủ về nhiều mặt phát triển kinh tế xã hội và quản trị nhà nước, ông Nguyễn Cao Lục - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: Chúng ta đã có sự phát triển nhưng không thể bằng lòng ở thời điểm này. Bên cạnh những thành tựu bước đầu, ngành du lịch - dịch vụ - hàng không Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện và dư địa để chúng ta thúc đẩy, phát triển những ngành này còn vô cùng lớn. Tuy nhiên, có không ít rào cản, thách thức chúng ta đã và đang phải đối mặt hoặc đánh giá được có thể xảy ra trong một lộ trình gần.

Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch đến 2025 với tổng thu dự kiến là 45 tỷ USD, đóng góp trên 10% GDP cả nước, đảm bảo phát triển bền vững, đa số các đại biểu cho rằng, cần phải gia tăng mạnh mẽ về chất lượng thì mới có khả năng tạo bứt phá cho ngành du lịch, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia…

Có thể bạn quan tâm