Điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1126/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương trong nước 2.925,749 tỷ đồng của 9 bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương để bổ sung dự toán tương ứng cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm dự toán chi đầu tư phát triển vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương 424,402 tỷ đồng của 2 bộ và 3 địa phương để bổ sung dự toán 209,988 tỷ đồng cho 6 địa phương. Số vốn điều chỉnh giảm còn lại là 214,414 tỷ đồng, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi đáp ứng đủ điều kiện bổ sung dự toán theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ cũng bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương trong nước 18.584,907 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, hỗ trợ lãi suất, cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương trong nước 19.570,446 tỷ đồng cho 10 bộ, cơ quan trung ương và 36 địa phương để thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 được điều chỉnh, bổ sung ở trên, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ dự toán chi ngân sách trung ương cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới bảo đảm:

Phân bổ chi tiết dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho từng nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy định ở trên.

Phân bổ chi tiết dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách trung ương năm 2022 được điều chỉnh, bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm các nguyên tắc, tiêu chí: các nhiệm vụ, dự án phải đủ thủ tục đầu tư để bố trí vốn hàng năm theo quy định, có thời gian dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên các dự án đang triển khai thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành để đưa vào hoạt động, các dự án sử dụng vốn nước ngoài, các dự án khởi công mới có khả năng giải ngân ngay trong năm 2022.

Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của từng nhiệm vụ, dự án sau khi phân bổ (bao gồm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 đã giải ngân và được kéo dài sang năm 2022) không vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của từng nhiệm vụ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan liên quan khác về tính chính xác của thông tin, số liệu của dự án, mức vốn phân bổ cho từng nhiệm vụ, dự án theo quy định của pháp luật.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...