Điều kiện kinh doanh đang bị lạm dụng

Điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang là một trong những nguyên nhân làm nản lòng các doanh nhân, những người muốn đầu tư và triệt tiêu nguồn lực DN.
Điều kiện kinh doanh đang bị lạm dụng

Cải cách điều kiện kinh doanh: đã thất bại!

Phải chăng Việt Nam đang thất bại trong việc cải cách điều kiện kinh doanh khi mà sau nhiều năm nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, loại bỏ giấy phép con, xóa bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý thì gần đây lại có thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác khiến DN phản ứng mạnh.

Có những quy định đang khiến DN bức xúc. Đó là quy định bắt buộc DN sản xuất mũ bảo hiểm phải đáp ứng đầy đủ trang thiết bị để sản xuất hoàn chỉnh một chiếc mũ bảo hiểm. Tức là DN sản xuất mũ bảo hiểm phải tự sản xuất mút xốp của mũ bảo hiểm thay vì có thể mua từ các DN chuyên sản xuất mút xốp.

Như vậy, DN phải đầu tư thêm dây chuyền sản xuất, mà để đặt dây chuyền sản xuất thì phải thêm diện tích xưởng, thêm nhân công vận hành… kéo theo đó là rất nhiều vấn đề khác liên quan… Những quy định này đang hạn chế tính sáng tạo, ngăn cản DN tham gia theo chuỗi – một xu hướng mà chúng ta đang muốn xây dựng để DN Việt tăng cao năng lực cạnh tranh tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đó là quy định xe taxi phải được kiểm định, phải lắp đồng hồ trên xe, đăng ký tần số sóng, giấy phép tần số, lái xe phải được tập huấn… Những điều kiện kinh doanh đang giết chết sự sáng tạo của taxi truyền thống.

Đó là có quy định người đứng đầu cơ sở in phải “được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in”, nhập khẩu thiết bị in phải xin giấy phép…đang khiến các DN trong ngành khốn đốn 2 năm qua.

Đây cũng là vấn đề đã xảy ra với các DN kinh doanh gas, DN xuất khẩu gạo. Những điều kiện ngặt nghèo quá bất hợp lý đã buộc DN phải “lách”, như Công ty Cỏ May phải sang Singapore thành lập Công ty Cỏ May Singapore để ủy thác cho Cỏ May Singapore nhập khẩu gạo của chính Cỏ May và cho khách hàng. Những điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo làm tăng chi phí và giảm khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam.

Và còn nhiều những quy định, những điều kiện đang làm khổ DN. Những điều kiện đó được ban hành một phần do quản lý nhà nước ở các cấp chưa theo kịp các thông lệ chung của quốc tế, và do sợ “không quản được” thì phải “ngăn”…

“Điều kiện kinh doanh đang bị lạm dụng. Từ năm 2003 đến nay Việt Nam đã thất bại trong việc cải cách điều kiện kinh doanh. Hàng loạt điều kiện đã được bãi bỏ cũng quay trở lại”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Không thể cứ “muốn” là “mở” ?

Nhưng đáng ngại là chính trong xã hội cũng đang có tư duy lạm dụng điều kiện kinh doanh. Ngay như trong hội nghị bàn cách giải cứu ngành nuôi lợn thì một DN hiến kế “ cần quy định ngành này là ngành kinh doanh có điều kiện, không thể cứ “muốn” là “mở”, vì có tới 50% hộ chăn nuôi là nhỏ lẻ nên khó kiểm soát họ tăng đàn và làm nảy sinh các vấn đề về môi trường”.

Cả nước đang có 3 triệu hộ chăn nuôi nhỏ. Cái kế như DN vừa hiến khiến bà Phạm Chi Lan lập tức phải lên tiếng: “kinh tế thị trường thì chỉ những ngành nghề thật sự thiết yếu mới đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu chăn nuôi cũng đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì khác nào giết hết các cơ hội của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chỉ để cho các DN sống. Như thế thì không thể được”.

Đã và vẫn có tình trạng cơ quan quản lý áp đặt quá mức cần thiết các điều kiện kinh doanh. Những kiểu điều kiện như phải có số năm kinh nghiệm làm việc… chính là những rào cản ra nhập thị trường.

Rất mừng là đã có những dự thảo mới sửa đổi các điều kiện bất cập trong kinh doanh gas, trong ngành in… đang được soạn thảo. Nhưng vẫn còn hàng nghìn điều kiện kinh doanh vẫn còn tồn tại. Và nếu vẫn còn những tư duy kiểu “không thể cứ muốn là mở… phải có kiểm soát…” thì sẽ có bao nhiêu điều kiện kinh doanh mới sẽ lại ra đời nếu tình trạng lạm dụng điều kiện kinh doanh không được ngăn chặn.

Điều kiện kinh doanh chỉ cần phải có khi hoạt động kinh doanh đó phải có nguy cơ gây rủi ro cho xã hội, người tiêu dùng. Và điều kiện kinh doanh đó được đưa ra phải không tạo thêm chi phí cho DN, không hạn chế sáng tạo, phát triển khoa học kỹ thuật. Nhưng cũng không phải “cứ có rủi ro là phải có can thiệp bằng điều kiện”, ông Hiếu phát biểu.

“Điều kiện kinh doanh là cần thiết cho hoạt động quản lý nhà nước nếu lạm dụng sẽ gây cản trở cho sự phát triển của xã hội. Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay có quá nhiều công cụ để quản lý, và có nhiều cách khác vẫn tạo thuận lợi cho DN mà vẫn đạt mục tiêu quản lý nhà nước”, theo ông Hiếu.

“Những điều kiện kinh doanh dày đặc đó cũng gây ra các hệ quả như giảm tính cạnh tranh thị trường, tăng cơ hội độc quyền, giảm tính năng động, sáng tạo, đổi mới của DN, tạo ra nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu...”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu.

Tình trạng lạm dụng điều kiện kinh doanh đang làm nản lòng những người muốn đầu tư, kìm hãm và triệt tiêu các nguồn lực khi DN không được giải phóng năng lượng và làm cho nguồn lực trong dân không được khai thác triệt để. Chúng khiến cho rủi ro tăng lên, chi phí không chính thức khó giảm.

Theo Tri Nhân/Thoibaonganhang.vn

> > Cần tạo điều kiện để hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp

thoibaonganhang.vn/dieu-kien-kinh-doanh-dang-bi-lahttp://thoibaonganhang.vn/dieu-kien-kinh-doanh-dang-bi-lam-dung-62341.html

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...