Đối với Qi Jia, một nhân viên văn phòng kiêm blogger ở Trung Quốc, quyết định ly hôn với chồng không phải là một quyết định mà cô xem nhẹ. “Anh ấy trở nên luộm thuộm và nghiện chơi game”, cô Qi, 39 tuổi, sống ở thành phố Thường Châu, cho biết. "Tôi luôn phải chăm sóc con một mình." Hai vợ chồng cô Qi sống xa nhau do công việc, suốt 13 năm và rất ít giao tiếp, cô đã viết trong một bản khai cá nhân đăng trên trang mạng xã hội Douban.
Nhưng một điều luật mới được ban hành gần đây - yêu cầu các cặp vợ chồng dành khoảng thời gian 30 ngày “hạ nhiệt“ để xem xét lại quyết định ly hôn - đã buộc cô phải hành động ngay lập tức. Chỉ 3 ngày trước khi điều luật có hiệu lực, cô Qi đã ly hôn với chồng.
Giống như nhiều quốc gia khác, tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc tiếp tục gia tăng đều đặn trong những năm gần đây.
Điều luật mới từ chính phủ đưa ra nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng xem xét lại việc ly hôn vội vã, tuy nhiên, điều luật này lại chỉ gây ra sự thất vọng ở những phụ nữ sợ rằng việc ly hôn giờ đây sẽ trở nên khó khăn hơn.
Cũng giống như trường hợp của Qi, để tránh thời gian có hiệu lực của điều luật mới, hơn 1 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc đã yêu cầu ly hôn trong ba tháng cuối năm 2020 - tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019 - theo dữ liệu từ Cục Nội vụ Trung Quốc.
Nhà văn về nữ quyền Xiao Meili đã gọi điều luật là “bước lùi” đối với phụ nữ và nói rằng luật này hạn chế quyền của phụ nữ trong việc được tự do tìm cách ly thân với vợ / chồng. “Hôn nhân cần sự đồng thuận của cả hai người. Nhưng nên cho phép ly hôn nếu một người muốn được giải thoát."
Và thường thì đó sẽ là người phụ nữ.
Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc, khoảng 74% các phiên xử đầu tiên trong các vụ ly hôn năm 2016 và 2017 đều là phụ nữ đệ trình đơn.
Các rào cản khác đối với việc ly hôn bao gồm chênh lệch thu nhập theo giới, các quy định về phân chia tài sản có xu hướng nghiêng về nam giới và nhận thức truyền thống về vai trò.
Vào tháng 2, một tòa án ở Bắc Kinh đã gây ra một làn sóng chấn động khi ra phán quyết rằng một phụ nữ phải được bồi thường tài chính - khoảng 7.000 USD - cho công việc nhà trong suốt cuộc hôn nhân 5 năm.
Sự tiếp cận với giáo dục nâng cao và vị trí việc làm tốt hơn trong những thập kỷ gần đây đã cải thiện sự độc lập về tài chính và địa vị xã hội của phụ nữ ở Trung Quốc, và cũng mang đến cho họ những ý kiến kiên quyết hơn về một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Tuy nhiên, áp lực xã hội vẫn hiện hữu - gia đình và bạn bè thường không khuyến khích phụ nữ ly hôn và các tòa án Trung Quốc có xu hướng ra phán quyết ngăn cản ly hôn ngay từ đầu, nhằm duy trì sự ổn định xã hội. Đáng buồn thay, ly hôn vẫn để lại dấu vết kỳ thị của xã hội đối với nhiều phụ nữ.
Đôi khi, ngay cả bằng chứng về sự đau khổ và ngược đãi trong gia đình cũng không đảm bảo việc ly hôn sẽ được chấp thuận. Trong một trường hợp nổi bật năm 2019, một người phụ nữ chỉ có tên là Liu, đến từ tỉnh Hà Nam, bị chồng hành hung dã man, với các hình ảnh hiện rõ trên video camera an ninh. Tuy nhiên, tòa án đã không đưa ra phán quyết có lợi cho cô khi cô đệ đơn ly hôn vào năm 2020. Cô Liu sau đó đăng video lên mạng, làm dấy lên một cuộc tranh luận diện rộng khiến tòa án phải chấp thuận cho cô ly hôn.
Cục Nội vụ Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng thời kỳ “hạ nhiệt” mới sẽ không áp dụng cho các vụ kiện ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình. Tuy nhiên, ly hôn thông qua tòa án thường kéo dài và không có kết quả như mong đợi đối với nhiều phụ nữ.
Ma Danyang, luật sư ly hôn làm việc tại Bắc Kinh, cho biết giai đoạn “hạ nhiệt” mới chỉ làm gia tăng thêm sự lo lắng cho các khách hàng. “Các cặp vợ chồng cuối cùng đã đi đến thỏa thuận nhưng sau đó họ bắt đầu lo lắng rằng người kia có thể đổi ý trong 30 ngày.”
“Điều đó khá bất công đối với phụ nữ ... Khi mà mỗi ngày trong khoảng thời gian chờ đợi đối với họ như hàng năm trời. "
Nhưng với giáo sư He Xin, chuyên gia về hệ thống luật pháp của Trung Quốc tại Đại học Hồng Kông, việc đưa ra thời hạn “hạ nhiệt” là hợp lý, vì ly hôn là một quyết định lớn. “Nhiều quốc gia đã có điều luật tương tự,” ông nói thêm.
Ở Trung Quốc, tỷ lệ ly hôn gia tăng tương đương với tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh giảm, gây ra khủng hoảng nhân khẩu học khi dân số nước này già đi - một thách thức lớn đối với chính quyền ở Bắc Kinh, vốn đang đẩy mạnh nỗ lực ủng hộ các giá trị gia đình truyền thống trong những năm gần đây.
Chính sách một con được áp dụng trong nhiều thập kỷ tại nước này đã bị bãi bỏ vào năm 2015, nhưng chỉ một sự thay đổi này cũng không thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Một số người nghĩ rằng các quy định ly hôn mới có thể khiến các cặp đôi không muốn kết hôn ngay từ đầu. “Phụ nữ trẻ hiện đã có nhận thức nhiều hơn về bình đẳng giới. Thêm vào đó, nhiều phụ nữ độc thân vẫn có thể có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc cho riêng mình,” nhà văn Xiao nhấn mạnh.