Đoàn liên ngành 389 tỉnh Tuyên Quang thu giữ số lượng lớn quần áo, phụ kiện thời trang nhập lậu

Đoàn liên ngành phát hiện có gần 1.000 sản phẩm quần áo, phụ kiện thời trang các loại là hàng hoá có dấu hiệu hàng nhập lậu, không có hoá đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp theo quy định. Trị giá hàng hoá vi phạm ước tính khoảng 43 triệu đồng.

Tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Ngày 27/10/2021, Đoàn liên ngành 389 tỉnh do Cục QLTT Tuyên Quang chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng trong đó có phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Tuyên Quang tổ chức kiểm tra đột xuất cơ sở “N.M Boutique” tại huyện Hàm Yên chuyên kinh doanh online các loại quần áo, phụ kiện thời trang thu giữ số lượng lớn hàng hoá nhập lậu.

Cơ sở kinh doanh thời trang N.M Boutique do ông Nguyễn Thu Đ làm chủ, có địa chỉ kinh doanh tại thông Tân Thành, xã Thái Hoà, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Cơ sở này trước kia kinh doanh theo phương thức truyền thống là chủ yếu, tuy nhiên vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên cơ sở chuyển sang hình thức kinh doanh online, sử dụng các tài khoản facebook “N.M-Tổng kho buôn số lượng lớn” và “N.M Tuyên Quang” để livestream bán hàng.

Số lượng lớn quần áo, phụ kiện thời trang nhập lậu được Đoàn liên ngành 389 tỉnh Tuyên Quang thu giữ

Khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra kho hàng có khoảng 9 nhân viên đang làm việc trong đó: 2 nhân viên sẽ đảm nhận việc livestream, 3 nhân viên sẽ đảm nhận việc trả lời yêu cầu của khách hàng online và “chốt đơn”, còn lại làm công tác đóng gói để giao hàng thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh. Qua làm việc được biết trung bình mỗi ngày cơ sở này “chốt đơn” và giao vài chục đơn hàng đi khắp các tỉnh thành phố. Các dịp lễ, ngày “black sell” có thể “chốt” và giao đến hàng trăm đơn hàng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Qua kiểm tra, Đoàn liên ngành phát hiện có gần 1.000 sản phẩm quần áo, phụ kiện thời trang các loại là hàng hoá có dấu hiệu hàng nhập lậu, không có hoá đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp theo quy định. Trị giá hàng hoá vi phạm ước tính khoảng 43 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hoá vi phạm để xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tại Tuyên Quang, công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi gian lận thương mại khác diễn ra hết sức khó khăn do các đối tượng chuyển từ hình thức kinh doanh truyền thống sang nền tảng Thương mại điện tử mà phổ biến nhất là bán hàng qua mạng xã hội facebook, zalo. Các đối tượng livestream một nơi nhưng kho hàng lại nơi khác (thường là nơi xa xôi, hẻo lánh, hoặc thuê tạm các phòng trọ vừa ở vừa chứa hàng…vv) gây rất nhiều khó khăn cho công tác nắm bắt thông tin, xác minh, kiểm tra và xử lý.

Tuy nhiên, với sự thống nhất cao trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo từ cấp Cục đến cấp Đội cũng như các Đoàn liên ngành do lực lượng Quản lý thị trường chủ trì đã nghiêm túc triển khai thực hiện nhiều giải pháp cũng như quyết liệt trong hành động để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như bình ổn thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Có thể bạn quan tâm