Doanh nghiệp cần gì để đón hỗ trợ từ chính sách?

Muốn tận dụng được chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các quy định và chuẩn bị đủ các điều kiện mà chính sách đó yêu cầu.
Doanh nghiệp cần gì để đón hỗ trợ từ chính sách?

Hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tùy vào từng trường hợp mà các hỗ trợ liên quan đến thủ tục pháp lý, mặt bằng sản xuất, văn phòng làm việc, công nghệ, đào tạo nhân lực, bảo lãnh tín dụng, tiếp nhận vốn từ các quỹ đầu tư, thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại, kết nối đối tác, thuế thu nhập doanh nghiệp... Các hỗ trợ này được củng cố thêm trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào ngày 1/1/2018.

Không phải mọi doanh nghiệp nhỏ và vừa, công ty khởi nghiệp đều được hỗ trợ. Đồng thời, hỗ trợ không có nghĩa Nhà nước đem cho doanh nghiệp bao nhiêu tiền, mà là tạo cơ hội, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ một phần chi phí khi thực hiện hoạt động cụ thể nào đó. Mức độ hỗ trợ cũng khác nhau, trong đó, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được hỗ trợ nhiều nhất.

Khi khởi nghiệp, với nguồn vốn hạn chế, khả năng kết nối đối tác chưa tốt, trong khi có rất nhiều thứ cần phải đầu tư nên việc tận dụng các hỗ trợ từ chính sách sẽ giúp công ty thuận lợi hơn trong những ngày đầu hoạt động. Để được hỗ trợ, cần phải đáp ứng được các điều kiện nhất định, thường bao gồm dự án kinh doanh có hiệu quả, góp phần tạo nên sự tiến bộ cho xã hội; tổ chức doanh nghiệp bài bản, hệ thống sổ sách rõ ràng; năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp.

Yêu cầu quan trọng nhất để được xem xét hỗ trợ là phải có kế hoạch kinh doanh để chứng minh tính khả thi và hiệu quả của dự án khởi nghiệp. Bởi vì trong dự án đã đề cập tất cả các phân tích và kế hoạch liên quan đến điều kiện kinh doanh, phương án mặt bằng, khách hàng mục tiêu, ý tưởng sản phẩm, phương thức marketing, bán hàng, phương án công nghệ, tác động môi trường, hiệu quả tài chính, rủi ro và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Căn cứ vào dự án kinh doanh có thể xem xét, xếp loại được dự án đổi mới sáng tạo hoặc tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hay dự án kinh doanh thông thường để áp dụng mức hỗ trợ phù hợp.

Hiện nay, có rất nhiều tổ chức hoạt động với phương châm tạo động lực, ươm tạo cho công ty khởi nghiệp ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều địa phương rất năng động trong việc kêu gọi lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, thành lập các vườn ươm, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp với ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Người khởi nghiệp có dự án sáng tạo nên tích cực tìm đến các tổ chức này để ươm tạo về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, kết nối đối tác..., sẽ giúp vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, để đủ điều kiện nhận được trợ giúp từ chính sách hỗ trợ, công ty khởi nghiệp phải chú ý đến việc chuẩn hóa trong quản trị doanh nghiệp, minh bạch hệ thống sổ sách kế toán để đáp ứng được các quy định tuân thủ pháp luật. Ngược lại, khi được hỗ trợ từ chính sách, công ty khởi nghiệp phải chịu sự theo dõi, tư vấn, kiểm soát của các tổ chức hỗ trợ, tạo áp lực cho hoàn thiện hệ thống quản lý doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Để hiểu rõ hơn các quy định về mức độ hỗ trợ cũng như chuẩn bị đủ điều kiện để tiếp cận chính sách hỗ trợ, công ty khởi nghiệp nên tích cực tham gia các hội doanh nghiệp, câu lạc bộ. Đó là những nơi đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp, sẽ phổ biến những chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho doanh nghiệp. Đồng thời phải mạnh dạn tìm đến các đầu mối tiếp nhận hồ sơ nhận đăng ký, giải quyết đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp để được tư vấn cho từng trường hợp cụ thể.

TS. Huỳnh Thanh Điền/Doanh nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...