Doanh nghiệp chế biến thủy sản, thực phẩm lại khóc vì “giấy phép con”

Mất cả năm kiến nghị và chờ đợi sửa đổi quy định thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và giấy xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm, nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy sản, thực phẩm lại đan
Doanh nghiệp chế biến thủy sản, thực phẩm lại khóc vì “giấy phép con”

Nỗi ám ảnh có tên Nghị định 38

Bức thư ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi các chuyên gia của Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID (GIG) chứa đầy nỗi niềm. Nguyên do đều bắt nguồn từ Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

“Nếu Nghị định này không được sửa đổi triệt để, tôi tin chắc nó chính là tảng đá, cản trở việc thực thi nhiều nội dung của Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm 2016, 2017”, ông Nam viết trong thư.

Bức thư được ông Nam viết và gửi đi sau khi tham gia cuộc họp tư vấn - thẩm định Dự thảo sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP – cuộc họp mà ông nói gây cho ông sự ngỡ ngàng. “Nội dung mà doanh nghiệp đề nghị sửa vì trái luật đã “cương quyết” không được bãi bỏ”, ông Nam chia sẻ thông tin.

Cả năm 2016, VASEP đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP sau khi các doanh nghiệp thủy sản, thực phẩm liên tục than phiền về tác động của quy định thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và giấy xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm. Quy định này, theo các doanh nghiệp, đã gây ra cả loạt nhiêu khê, không căn cứ, bức xúc cho hàng ngàn doanh nghiệp thực phẩm trên toàn quốc.

Không chỉ VASEP, EuroCham, AmCham cũng đã cùng kiến nghị khi phát hiện quy định này không có trong Luật An toàn thực phẩm. Thậm chí, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Chi hội TP.HCM của AmCham đã thẳng thắn cho rằng, thủ tục hành chính ngoài luật này đã làm tiêu tốn nguồn lực nhà nước vào những hoạt động cấp phép chỉ trên giấy tờ, mà lẽ ra phải tập trung vào hậu kiểm, khiến tình hình an toàn thực phẩm tại Việt nam không được cải thiện.

Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (ngày 17/5/2017), AmCham cũng đã gửi kiến nghị sửa đổi các quy định trên của Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Kiến nghị này đã được các doanh nghiệp nhắc lại trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2017 đầu tháng 6 năm nay.

Có còn cơ hội cho doanh nghiệp?

Dự án GIG đã thống nhất tiếp tục kiến nghị bãi bỏ quy định liên quan đến thủ tục công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm với lý do Luật An toàn thực phẩm không quy định nội dung này.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia GIG phân tích, vì có quy định này của Nghị định 38/2012/NĐ-CP mà Bộ Y tế và các bộ có chức năng về quản lý an toàn thực phẩm nói chung đã không xây dựng các quy chuẩn Việt Nam cần thiết, dẫn tới phần lớn các sản phẩm thực phẩm được quản lý một cách tuỳ tiện, thủ tục không minh bạch, hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự giải thích của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), gây vô vàn khó khăn cho doanh nghiệp...

Bản chất của hoạt động đăng ký công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó. Tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm phải nộp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy và cơ quan thẩm quyền thực hiện tiếp nhận và trả kết quả bằng hình thức “thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy”.

Hiện tại, các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về công bố hợp quy thuộc ngành khác như khoa học - công nghệ, xây dựng,… đang thực hiện theo quy trình này.

Nhưng, riêng ngành y tế lại cấp Giấy tiếp nhận công bố hợp quy và sau đó là Giấy xác nhận phù hợp các quy định an toàn thực phẩm để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy. Đó là chưa kể khoảng thời gian mà doanh nghiệp phải dành để có được các giấy tờ trên nhiều hơn nhiều lần so với quy định 15 ngày làm việc…

Do vậy, thời gian làm thủ tục công bố hợp quy của doanh nghiệp thường rất lâu, dẫn đến nhiều khi các đối tác không thể chờ đợi nên đã chuyển sang mua hàng của nhà cung cấp khác, làm doanh nghiệp mất khách hàng, mất cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hơn thế, Báo cáo số 37/BC-CP ngày 3/2/2017 của Chính phủ gửi Đoàn giám sát Quốc hội đã đánh giá quy định trên là không phù hợp luật, không hiệu quả, thế giới không nước nào áp dụng và cần sửa Nghị định 38/2012/NĐ-CP về nội dung này.

Cũng phải nhắc lại, tại Hội nghị đối thoại giữa VASEP và các cơ quan quản lý nhà nước về những vướng mắc liên quan đến quản lý chuyên ngành do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 13/5/2017, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã cho rằng, nếu căn cứ vào Luật An toàn thực phẩm thì đề nghị bỏ toàn bộ quy định về công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của VASEP là hợp lý bởi Luật chỉ yêu cầu công bố quy chuẩn.

Đây cũng là lý do mà Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ cho phép nới thời hạn trình Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP thêm 3 tháng.

Hiện tại, Dự thảo này đã được trình Chính phủ, nhưng như ông Nam cho biết, các vướng mắc mà doanh nghiệp kiến nghị đã không được giải quyết.

Câu hỏi còn cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục phản biện không đang để ngỏ…

Khánh An

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...