Doanh nghiệp chia cổ phiếu để “né thuế”?

Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khiến cơ quan thuế sẽ thất thu khoản thuế thu nhập cá nhân không nhỏ.
Doanh nghiệp chia cổ phiếu để “né thuế”?

Sau một thời gian dài trầm lắng, làn sóng chia cổ phiếu thưởng lại xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Nhiều chuyên gia cho rằng, cách chia thưởng này là một hình thức “né thuế”.

Ồ ạt chia thưởng bằng cổ phiếu

Những ngày này thị trường chứng khoán liên tục nhận được thông tin chia thưởng bằng cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp (DN). Dường như phát hành cổ phiếu đang là “mốt” tại Việt Nam khi ngày càng nhiều DN phát hành với quy mô lớn.

Cụ thể, cuối tuần qua, Thế giới Di động đã thông báo thưởng 7,33 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên của công ty. Tập đoàn Masan, thay vì chi trả cổ tức, suốt 7 năm liền Tập đoàn này lựa chọn phương án phát hành cổ phiếu cho các nhà quản lý, nhân viên… Không chỉ Thế giới Di động, Masan mà nhiều doanh nghiệp lớn khác trên sàn chứng khoán cũng rất ưa chuộng hình thức thưởng này cho nhân viên.

Ngày 21/12 tới đây, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam sẽ chốt danh sách cổ đông Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre để phát hành cổ phiếu trả cổ tức đợt 2/2015 theo tỷ lệ 20 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới. Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Tiến Thành dự kiến phát hành 3 triệu cổ phiếu mới tỷ lệ 100 cổ phiếu được nhận 30 cổ phiếu mới.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, thưởng bằng cổ phiếu giúp công ty không phải sử dụng tiền mặt mà sử dụng nguồn lực từ phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ và giữ lại tiền để tái đầu tư và hoạt động. Ngoài ra, thưởng bằng cổ phiếu có tác dụng giúp nhân viên gắn bó với công ty hơn.

Tuy nhiên, cổ đông sẽ bị thiệt hại khi lợi nhuận của họ sụt giảm do giá cổ phiếu bị pha loãng khi phát hành thêm. Giả sử doanh nghiệp thông báo thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 1:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được thưởng thêm 1 cổ phiếu. Giá cổ phiếu tại ngày giao dịch chốt quyền nhận thưởng là 20.000 đồng/cổ phiếu. Vào ngày giao dịch hôm sau, giá tham chiếu của cổ phiếu không phải là 20.000 đồng mà sẽ được sở/trung tâm giao dịch điều chỉnh xuống còn 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, tổng giá trị không hề thay đổi trong khi số lượng cổ phiếu thì tăng lên khiến giá của mỗi cổ phiếu giảm đi.

"Cổ đông còn có thể bị thiệt khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu trong các trường hợp cổ phiếu đang được giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng), nhưng giá áp dụng cho cổ phiếu trả cổ tức thì vẫn bằng mệnh giá. Điều này khiến cổ đông mặc nhiên “bị ép” phải nhận cổ phiếu với giá cao hơn giá thị trường.

Chiêu “né thuế”?

Ông Trần Đình Dũng, nhân viên một công ty chứng khoán khẳng định, chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp DN cũng như cổ đông, nhân viên tránh được thuế thu nhập cá nhân. Ví dụ, Thế giới Di động thưởng 7,33 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên của công ty. Tính theo mức giá hơn 154.000 đồng trên sàn chứng khoán hiện nay, mức thưởng này của Thế Giới Di Động có giá trị lên tới gần 1.130 tỷ đồng.

Giả dụ số tiền 1.130 tỷ đồng nói trên được thưởng bằng tiền cho 1.000 nhân viên, trung bình mỗi nhân viên sẽ nhận được 1,13 tỷ đồng. Trừ đi các khoản giảm trừ gia cảnh thông thường, số tiền thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước cho khoản thu nhập này là trên dưới 110 triệu đồng.

Trong khi đó, theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, khi nhân viên bán cổ phiếu được thưởng sẽ chỉ phải nộp thuế 0,1% trên giá trị chuyển nhượng. Nếu so sánh với mức thuế thu nhập cá nhân có thể phải nộp nếu nhận được thưởng bằng tiền mặt là khoảng 110 triệu đồng thì với phương án thưởng cổ phiếu này nhân viên được lợi hơn rất nhiều còn Nhà nước thường thiệt thuế.

Hay trong trường hợp của Masan, cách đây 2 năm, Masan cũng thực hiện phát hành cổ phiếu với lượng phát hành lên đến 17,86 triệu cổ phiếu và đã giúp các cán bộ chủ chốt tránh được khoản thuế thu nhập cá nhân lên đến 500 tỉ đồng. Trong trường hợp này, do “tránh thuế” hợp lý, nên cơ quan thuế sẽ thất thu khoản thuế thu nhập cá nhân không nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Cường, nhân viên môi giới chứng khoán Tân Việt khuyến cáo, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu đôi khi trở thành đòn “tung hỏa mù” của nhiều doanh nghiệp. Lợi dụng việc hiểu biết chưa rõ của cổ đông, ban lãnh đạo nhiều DN đã che giấu việc thiếu hụt dòng tiền chia cổ tức (hoặc cố ý để lại quỹ tiền mặt lớn nhằm mục đích cá nhân) bằng việc “thưởng” cổ phiếu thêm.

 Bằng cách như thế, cổ đông ngộ nhận rằng mình đã được tăng thêm giá trị nhưng thực sự giá trị họ nhận được chẳng là gì hơn ngoài số lượng “giấy” tăng lên. Đây có thể nói là một cách “rút ruột” cổ đông.

Thời gian qua, xu hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu diễn ra phổ biến, nhiều trường hợp gần như lạm dụng. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại xử lý máy móc, chiếu lệ, thiếu nghiên cứu các khía cạnh đặc thù... đã vô tình làm cho tài sản của cổ đông bị mất oan mà không biết kêu ai.

Theo VOV NEWS

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...