Doanh nghiệp du lịch đề xuất miễn thị thực cho khách đến từ các nước phát triển

Các đại diện Tập đoàn lớn đều đồng ý rằng du lịch Việt Nam 2023 còn gặp nhiều thách thức và cần hành động để khắc phục khó khăn…

Các đại biểu tham dự Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững
Các đại biểu tham dự Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững

Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh của ngành du lịch trong 10 tháng đầu năm nay. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đồng tình với ý kiến đó, đại diện Tập đoàn Vingroup cũng cho rằng du lịch Việt Nam năm 2023 đối mặt với nhiều bất ổn. Việt Nam chưa thể trở thành điểm phải đến của du khách quốc tế trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo.

Đại diện Tập đoàn cho rằng đã đến lúc cần kiến tạo những điểm đến vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch. Đó chính là xu thế phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm, thậm chí trở thành điểm phải đến tại châu Á.

Bên cạnh đó, đại diện Vingroup đã đề xuất 5 giải pháp gồm: có chính sách miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia, nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia, nâng cao tỉ lệ số hóa và tự động hóa ở các cảng hàng không, xã hội hóa nguồn vốn cho các quỹ đầu tư phát triển du lịch với các dự án trọng điểm tập trung theo chiến lược điểm đến của các địa phương du lịch lớn của quốc gia, có chính sách liên quan đến thuế để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của dịch vụ ngành du lịch.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings cũng nhận định đây cũng là giai đoạn đầy biến động, thách thức của ngành du lịch.

Thực tế, ngành hàng không chưa có lợi nhuận, du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng. Những điểm đến quốc tế như đảo ngọc Phú Quốc, vịnh biển Nha Trang, con đường di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng – Hội An, Kỳ quan Vịnh Hạ Long… cũng là mỗi nơi đang đóng băng vài chục ngàn phòng khách sạn, dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ. Đây là những khối tài sản của quốc dân, xã hội, việc làm cho hàng trăm ngàn người trong khu vực du lịch.

Trước dịch, mỗi ngày Vietjet có tới 40 chuyến bay quốc tế tới Nha Trang, nghĩa là khoảng 8000 phòng khách sạn được lấp đầy, tương tự ở Đà Nẵng và Phú Quốc. Bà Thảo kiến nghị cần hành động khẩn trương để những điểm đến du lịch trong nước đông vui trở lại.

Để đạt được điều đó, Chủ tịch Sovico Holdings đã nêu một vài biện pháp như tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất, đề xuất Chính phủ và các bộ tiếp tục thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia, đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh…

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đã đề xuất quảng bá, xúc tiến du lịch ra quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao, cơ quan truyền thông đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua các hội nghị xúc tiến tới những thị trường trọng điểm. Theo Sun Group, ngân sách quảng bá du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Về tăng cường hợp tác hàng không, bà Hoài Anh đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thúc đẩy công tác mở rộng thị trường, hợp tác với các quốc gia, các hãng hàng không mở thêm đường bay.

Sun Group cũng đề xuất Chính phủ mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam. Ngoài ra, đại diện Tập đoàn này còn đề xuất việc mở rộng đối tượng mua bất động sản nghỉ dưỡng là người nước ngoài để thu hút lượng ngoại tệ lớn, góp phần quảng bá và giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Ngoài ra, Thủ tướng đã nêu rõ một vài nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đối với cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi du lịch.

Đồng thời, đẩy mạnh kết nối và hợp tác hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn, đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nói không với tiêu cực. Đề cao ý thức, trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…