Chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo nội dung tờ trình, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ được hỗ trợ gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Về hỗ trợ gia nhập, rút khỏi thị trường, quy định này nhằm tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cụ thể hoá chủ trương của Chính phủ là "Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ".
Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để DNNVV gia nhập, rút khỏi thị trường; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh về quy mô gây bất lợi hoặc thiệt hại cho DNNVV trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh và trong hoạt động sản xuất kinh doanh và có hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, gây khó khăn cho DNNVV.
Dự thảo Luật cũng quy định các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua thiết kế điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, phù hợp với đặc điểm, quy mô doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng phù hợp với nhu cầu của DNNVV.
Dự thảo Luật quy định, 2 quỹ tài chính của Nhà nước, bao gồm: Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng (BLTD) hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho DNNVV ở các tỉnh, thành phố.
Doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa được áp dụng mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp quy định tại pháp luật thuế Thu nhập doanh nghiệp; Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các DNNVV có sản phẩm đổi mới sáng tạo, dự thảo Luật quy định các sản phẩm đổi mới sáng tạo của DNNVV thuộc danh mục sản phẩm đổi mới sáng tạo được hưởng ưu đãi của Chính phủ. Đây cũng là một thông lệ mà nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…đã và đang thực hiện Đồng thời, đây cũng là biện pháp để nâng cao chất lượng hàng hoá và dịch vụ công.
Ngoài ra, DNNVV còn được hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực công nghệ, mua sắm công, hỗ trợ tư vấn, pháp lý nhằm nâng cao nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh.
Có "điểm dừng" khi doanh nghiệp đủ mạnh
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đồng tình với quan điểm chuyển phương thức hỗ trợ từ hỗ trợ trực tiếp cho các DNNVV sang chủ yếu hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ để không làm méo mó thị trường và tránh vi phạm cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, Ủy ban cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ nội dung thiết yếu thuộc phạm vi, trách nhiệm Nhà nước phải hỗ trợ trực tiếp để đối tượng DNNVV được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.
Liên quan đến quy định về quyền và nghĩa vụ của DNNVV, Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, bổ sung quy định DNNVV phải hoàn trả những hỗ trợ đã được hưởng thụ khi vi phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời quy định "điểm dừng" pháp lý khi doanh nghiệp đủ mạnh thì không hưởng hỗ trợ nữa.
Theo VOV NEWS