Doanh nghiệp ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn: Vì có lý do đặc biệt?

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính chung trong ba quý đầu năm 2022, các doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn trước hạn hơn 142.200 tỉ đồng, tăng tới 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Mua lại trái phiếu trước hạn là hoạt động bất thường!

VBMA cho biết, lượng mua lại trái phiếu trước hạn có xu hướng tăng cao kể từ tháng 6/2022. Đáng chú ý, riêng tháng 9 con số lên đến hơn 28.800 tỉ đồng, tăng bất thường lên 199% so với cùng kỳ năm 2021.

Đứng đầu khối các doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn là các ngân hàng thương mại. Cụ thể, tổng giá trị trái phiếu ngân hàng BIDV mua lại là 12.672 tỷ đồng; VIB 8.800 tỷ đồng; LPB 8.000 tỷ đồng; SHB 5.450 tỷ đồng, TPB 4.900 tỷ đồng; OCB 4.700 tỷ đồng,…

Ngoài ngân hàng phải kể đến các doanh nghiệp như Azura (7.317 tỷ đồng); Yamagata (4.794 tỷ đồng); Osaka Garden (3.400 tỷ đồng)…, Hoàng Anh Gia Lai, Cơ điện lạnh (REE), Tập đoàn Gelex, Công ty Yamagata, An Phát Finance, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS),...

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, phát hành trái phiếu là hình thức vay nợ. Nên thông thường, kế hoạch trả nợ của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều được tính toán từ trước (dùng tiền đó cho mục đích gì và kéo dài bao lâu, mục đích sử dụng sẽ tạo ra doanh thu nào để doanh nghiệp có dòng tiền trả nợ).

mua lại trái phiếu trước hạn
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có những động thái mua lại trái phiếu trước hạn, đây là hiện tượng bất thường. "Nhưng tại sao lại có hiện tượng bất thường đó?", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi.

Cần chú ý, ngày 16/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65 sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ. Nghị định 65 có nhiều điểm mới nhằm siết chặt thị trường trái phiếu riêng lẻ. Với những quy định mới thì nhiều trái phiếu sắp phát hành hoặc doanh nghiệp định phát hành trái phiếu sẽ khó đáp ứng được những quy định khắt khe của Nghị định.

Mặc dù, nhiều quy định trong Nghị định 65 không có tính hồi tố. Nhưng nếu những trái phiếu mới phát hành không đúng với Nghị định 65 thì chắc chắn nó sẽ là tiếng còi báo động. Vụ việc Vạn Thịnh Phát là hiện tượng nhãn tiền cho thấy nếu doanh nghiệp làm sai thì sẽ bị điều tra và xử lý.

"Do đó, theo tôi, hiện tượng một số nhà phát hành trái phiếu trả nợ trước, mua lại trái phiếu trước hạn có thể họ lo sợ bị các cơ quan quản lý xử lý nếu có vi phạm. Đặc biệt là trong vấn đề sử dụng sai phạm mục đích", chuyên gia Trí Hiếu cho hay.

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn vì kinh doanh lãi lớn, có tiền. Nên thay vì phải gánh lãi tài chính 5 -10 năm thì khi có lãi, doanh nghiệp trả trước hạn, thanh toán cho các nhà đầu tư. Doanh nghiệp làm vậy đúng với quy định của pháp luật. Đây cũng là điều khôn ngoan. Nhưng có lẽ, đó không phải là đa số.

Đặc biệt nữa, với những trái phiếu cũ, lãi suất của nó thấp hơn lãi suất trái phiếu bây giờ mới phát hành. Do lãi suất tiền gửi tăng thì dĩ nhiên các doanh nghiệp muốn "để yên" trái phiếu cũ, với lãi suất thấp. Nhưng vẫn có những doanh nghiệp mua lại những trái phiếu này trước hạn và chấp nhận phát hành trái phiếu mới với lãi suất cao hơn. Điều này cũng gây ra nhiều câu hỏi.

Thành ra, mỗi doanh nghiệp đều có lý do riêng để mua lại trái phiếu trước hạn, nhưng một trong những lý do quan trọng là các nhà phát hành lo lắng về những sai phạm có thể bị điều tra những trái phiếu họ đã phát hành trong quá khứ?

Lý do "đặc biệt" để mua lại trái phiếu trước hạn...

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, điều khiến ông ngạc nhiên trong số những đơn vị mua lại trái phiếu trước hạn đứng đầu lại là ngân hàng.

"Trong khi, thời gian này, ngân hàng đang là đơn vị cần vốn. Ngân hàng tăng lãi suất kịch trần, trung bình trên dưới 9%. Điều đó cho thấy, khá nhiều ngân hàng đang đói vốn nhưng lại trả trước hạn. Vậy liệu rằng, có trái phiếu đã phát hành không đúng quy định và để tránh sự điều tra, họ mua lại trước hạn?", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đặt nghi vấn.

phát hành trái phiếu
Ngân hàng BIDV đang là một trong những đơn vị mua lại trái phiếu trước hạn lớn nhất trên thị trường, với tổng giá trị là 12.672 tỷ đồng

Nhất là mới đây, Ngân hàng Nhà nước ra quy định từ tháng 10/2022, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ phải tiếp tục giảm xuống từ 37% hiện nay xuống 34%.

Nên các ngân hàng dù cần vốn để phục vụ nhu cầu cho vay, nhưng họ vẫn chỉ tỏ ra cầm chừng với vốn huy động tiền gửi dân cư, vì phần lớn đây là vốn ngắn hạn. Do đó, trái phiếu luôn là một trong những kênh được các ngân hàng tỏ ra khá tích cực tận dụng.

Vì về bản chất, trái phiếu tuy vẫn chỉ là vốn vay, nhưng dù sao nó có tính chất dài hạn hơn vốn huy động tiền gửi và trái chủ không được rút vốn trước hạn như tiền gửi tiết kiệm.

"Khi ngân hàng có những nguồn vốn dài hạn từ trái phiếu thì tại sao các ngân hàng vẫn mua trái phiếu trước hạn? Trong khi, ngân hàng đang cần vốn để cho vay trung và dài hạn. Thành ra, đây là nghịch lý với các ngân hàng. Liệu rằng có lý do đặc biệt nào ngoài lý do lãi lớn khiến các ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn?", vị chuyên gia này đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia Trí Hiếu, việc mua lại trái phiếu trước hạn có mặt tích cực. Trái phiếu phát hành đúng quy định, sử dụng đúng mục đích thì nhà đầu tư có lãi. Doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn, nhà đầu tư được trả lại tiền trước hạn, đôi khi tránh được rủi ro, nhất là trong thời kỳ "củi lửa" như hiện nay.

Đồng nghĩa, tiền của nhà đầu tư đã an toàn. Trong khi, ngân hàng đang trả lãi rất cao, nhà đầu tư có thể gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi. Tránh như trường hợp Vạn Thịnh Phát, giờ các nhà đầu tư rất khó lấy lại tiền.

Nhưng việc mua lại trái phiếu trước hạn sẽ tạo nên những tiêu cực. Thứ nhất, nó tạo nên cơn khát vốn cho thị trường. Khi có nhiều doanh nghiệp đang có các dự án đầu tư dang dở, nhưng họ vẫn phải xoay tiền trả nợ cho trái chủ. Như vậy, sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, phải tìm nguồn vốn khác để tiếp tục dự án, càng "đổ thêm dầu vào lửa" trước tình trạng khát vốn của nền kinh tế.

Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp phải sử dụng các cách để huy động tiền như bán tháo tài sản của mình với giá rẻ. Ví dụ, Novaland - doanh nghiệp bất động sản hàng đầu cả nước đang liên tục đăng quảng cáo bán bất động sản ở miền Trung với tỷ lệ chiết khấu tới 50%.

"Vậy ngoài việc thị trường bất động sản đang xuống dốc thì còn nguyên nhân nào khác khiến doanh nghiệp này quyết định như vậy, ví như Novaland cần tiền giải quyết vấn đề nào đó hay không?", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia này cũng chắc chắn rằng dù với nguyên nhân nào thì đây không phải hiện tượng tích cực cho nền kinh tế. Nhất là trong năm 2023, số lượng trái phiếu đáo hạn lên tới 790.000 tỷ đồng.

Để giải quyết vấn đề đáo hạn này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, với những doanh nghiệp phát hành đúng quy định, sử dụng đúng mục đích, có lãi thì nhà phát hành hay các trái chủ đều hưởng lợi.

Nhưng có nhiều trường hợp, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không đủ doanh thu và dòng tiền để trả nợ cho trái chủ, thì thường các doanh nghiệp sử dụng một số giải pháp sau.

Thứ nhất, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đưa ra yêu cầu, lựa chọn các trái chủ chuyển đổi trái phiếu của họ thành cổ phiếu, chuyển đổi từ chủ nợ trở thành nhà đầu tư, cổ đông của chính doanh nghiệp của mình.

Thứ 2, các doanh nghiệp bán tài sản để lấy tiền trả nợ. Thậm chí, bán tài sản với triết khấu lớn, ví như Novaland. Thứ 3, doanh nghiệp có thể có những nguồn tiền từ những giao dịch khác từ những đầu tư khác để có nguồn tiền trả nợ, thay vì dùng chính dự án để bảo đảm dòng tiền cho trái phiếu của họ.

Thứ 4, phương án tồi tệ nhất - phá sản.

Ngoài ra, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết thêm, dù dùng cách nào thì sau 4-5 năm thị trường trái phiếu phát triển đều cho thấy 1 điều, thị trường vốn phải trở lại với ngân hàng. Vì ngân hàng là những định chế tài chính có công cụ, quy chế, quy trình được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bởi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Ví dụ, với những nhóm nợ thì ngân hàng sẽ chia ra nhóm 1,2,3,4,5 theo trình tự và có các cách giải quyết khác nhau sao có hiệu quả nhất. Nhưng trái phiếu không có sự kiểm soát này. Doanh nghiệp phát hành không có có khả năng trả nợ cũng không bị xử lý. Thị trường trái phiếu như "miền Tây hoãng dã".

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...