Doanh nghiệp thành công cần có hệ thống hiệp hội mạnh, có tính dẫn dắt

Nghị quyết 68 được coi như “phát pháo lệnh” cho một cuộc cách mạng đối với nền kinh tế, tuy nhiên để hiện thực hóa đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ và song hành của cộng đồng doanh nghiệp…

Doanh nghiệp thành công cần có hệ thống hiệp hội mạnh, có tính dẫn dắt

Sáng 26/5, Hội thảo khoa học chủ đề "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế" diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chiến lược đã bàn về giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp được “cởi trói”, thực sự bứt phá có định hướng dựa vào những chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, lần đầu tiên xác định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…”, “giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường...”, đặt ra tầm nhìn chiến lược và các mục tiêu đầy tham vọng.

Những thể chế trong Nghị quyết 68 có tầm quan trọng to lớn, mở ra bước ngoặt lịch sử để thúc đẩy sự vươn mình đột phá của kinh tế tư nhân; đồng thời mong muốn góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống để khai phóng, khơi thông mọi điểm nghẽn cho khu vực kinh tế tư nhân, đóng góp mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng

img-4922.jpg
PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam đánh giá, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị có tầm nhìn lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, được thiết kế hết sức toàn diện và đồng bộ, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, vai trò của nhiều cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, ngành nghề; đặc biệt là đề cập đến nhiều vấn đề cội rễ của thể chế, chiến lược phát triển và quản trị quốc gia trong giai đoạn lịch sử đầy biến động và đầy thách thức của thế giới.

“Trong niềm hân hoan của giới doanh nhân, giới khoa học và giới lãnh đạo - quản lý, Nghị quyết 68 được coi như phát pháo lệnh cho một cuộc cách mạng không chỉ với kinh tế tư nhân, không chỉ với nền kinh tế, mà cả về chiến lược quản trị quốc gia, kiến tạo tương lai cường thịnh cho dân tộc Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân, khu vực từng phải đối mặt với nhiều băn khoăn, nghi ngại, được đặt vào vị trí trung tâm của nền công vụ kiến tạo, phục vụ”, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân nhận định

Nhất trí với quan điểm dẫn đề của Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bổ sung thêm một số quan điểm nhằm sớm thực thi các Nghị quyết, trên tinh thần đòi hỏi nỗ lực của Chính phủ và song hành của doanh nghiệp.

Theo ông Phan Đức Hiếu, thành phần kinh tế tư nhân chỉ có thể thực sự chuyển mình từ vai trò "bổ trợ" sang "động lực quan trọng của nền kinh tế" khi môi trường thể chế, chính sách được cải thiện đồng bộ; đồng thời, chính các doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực quản trị, năng suất và khả năng đổi mới sáng tạo.

Để doanh nghiệp thực sự chuyển mình, tiếp cận hiệu quả những cơ hội từ chính sách, ông Hiếu cũng đặc biệt nêu bật vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp. Các hiệp hội sẽ như một “cầu nối thiết yếu” giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Các hiệp hội không chỉ đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, mà còn cần chủ động phản biện chính sách, đề xuất giải pháp và hỗ trợ hội viên nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận thị trường, công nghệ.

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

“Nếu muốn có một khu vực tư nhân mạnh, không thể thiếu một hệ thống hiệp hội doanh nghiệp mạnh, chuyên nghiệp và có tính dẫn dắt”, ông Hiếu phát biểu.

Ông mạnh dạn khẳng định, có những việc Nhà nước không thể làm tốt hơn hiệp hội. Các hiệp hội triển khai thiết thực hơn rất nhiều trong việc kết nối doanh nghiệp, kết nối cung cầu, đào tạo nâng cao năng lực doanh nghiệp, sàng lọc doanh nghiệp. Khi hiệp hội khẳng định được vị trí của mình, một số chức năng của Nhà nước như cấp chứng chỉ có thể giao cho hiệp hội…

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng hưởng ứng nhận định của ông Phan Đức Hiếu. Theo ông Phòng, sứ mệnh của các hiệp hội là đồng hành, thúc đẩy và kiến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, vốn được xem là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường.

Ông dẫn chứng, từ năm 1990 đến nay, doanh nghiệp tư nhân từng bước được thừa nhận và khẳng định vai trò trong nền kinh tế. Nhưng để phát triển, cần thay đổi từ nhận thức, tư duy đến cách làm cụ thể. Các doanh nhân phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, chỉ rõ những bất cập và đưa ra đề xuất thiết thực.

“Theo khảo sát hằng năm của chúng tôi, những rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở thể chế và môi trường kinh doanh. Các ý kiến thu thập được đều được tổng hợp và báo cáo định kỳ với Thủ tướng, Chính phủ và các bộ, ngành. Đáng tiếc, dù đã phát hiện được nhiều vấn đề, phần kiến nghị và giải pháp cụ thể để xử lý vẫn còn chưa đầy đủ”, ông Phòng chia sẻ.

Để doanh nghiệp phát triển, không thể thiếu các chính sách nuôi dưỡng, bảo vệ và hỗ trợ, từ đào tạo nhân lực, xây dựng vườn ươm, đến tạo điều kiện tiếp cận tài chính và thị trường. Việc hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cao hơn về năng lực cạnh tranh, sáng tạo và khả năng thích ứng. Hiện đã có những doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn ra quốc tế, nhưng vẫn còn đơn lẻ, ngành hàng chưa đa dạng và giá trị gia tăng còn thấp.

Lãnh đạo các đơn vị kỳ vọng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, tích cực đóng góp ý kiến dù là những phát hiện nhỏ cũng sẽ là chất liệu quan trọng để truyền cảm hứng và hoàn thiện chính sách.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Triển khai Nghị quyết 57: Cần cộng hưởng sức mạnh doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ

Triển khai Nghị quyết 57: Cần cộng hưởng sức mạnh doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn khẳng định cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn được tiếp cận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên để đuổi kịp, thậm chí vượt các nước phát triển, ông Sơn cho rằng Việt Nam có thể tìm một lối đi riêng, phù hợp với đặc thù thể chế chính trị...

Tổng Bí thư Tô Lâm: Bốn Nghị quyết là những trụ cột thể chế nền tảng đưa đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: Bốn Nghị quyết là những trụ cột thể chế nền tảng đưa đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới

Những Nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước, đồng thời liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện…