Doanh thu mảng hạ tầng khu công nghiệp sụt giảm, lãi quý 3/2024 của Viglacera đi lùi so với cùng kỳ

Trong quý 3/2024, lợi nhuận sau thuế của Viglacera đạt 234,1 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp lợi nhuận giảm...

Doanh thu mảng hạ tầng khu công nghiệp sụt giảm, lãi quý 3/2024 của Viglacera đi lùi so với cùng kỳ

Tổng Công ty Viglacera – CTCP (mã chứng khoán: VGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 với doanh thu thuần đạt 2.834 tỷ đồng, giảm 18,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm từ 1.069 tỷ đồng xuống còn 872,5 tỷ đồng.

Trong quý, doanh thu tài chính của Viglacera giảm 40,5%, còn 11,6 tỷ đồng, chủ yếu do lãi từ tiền gửi và cho vay giảm. Cùng chiều doanh thu, chi phí tài chính cũng giảm 23,6%, còn 75,4 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16,2% lên 215,6 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng vẫn duy trì ở mức 214,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, Viglacera còn ghi nhận khoản lỗ lên tới 36,6 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết, cao hơn nhiều so với khoản lỗ 6,1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Sau khi khấu trừ thuế phí, lợi nhuận quý 3/2024 của Viglacera đạt 234,1 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ, đánh dấu quý thứ hai liên tiếp lợi nhuận giảm. Trước đó, trong quý 2/2024, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế 171 tỷ đồng, giảm 73% so với quý 2/2023.

Theo giải trình, nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm lợi nhuận quý 3 của Viglacera là do doanh thu từ cho thuê hạ tầng khu công nghiệp giảm. Bên cạnh đó, các công ty con, liên kết của Viglacera trong nhóm kinh gặp khó trong công tác tiêu thụ, giá bán cũng như sản lượng tiêu thụ đều giảm.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Viglacera đạt doanh thu 8.185 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 909,3 tỷ đồng, giảm lần lượt 19,5% và 42,7% so với cùng kỳ, qua đó hoàn thành 60,5% kế hoạch doanh thu và 82% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Viglacera đạt 24.231 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tài sản bao gồm 1.759 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 1.200 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, 4.584 tỷ đồng hàng tồn kho, 5.990 tỷ đồng tài sản dài hạn.

Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của Viglacera là 6.057 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, chủ yếu tập trung tại dự án Khu công nghiệp Thuận Thành giai đoạn 1 (2.148 tỷ đồng), Khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 (1.036 tỷ đồng), Khu công nghiệp Tiền Hải – Thái Bình (519 tỷ đồng), Khu công nghiệp Yên Mỹ (541 tỷ đồng)…

Ở bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của Viglacera là 14.277 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến hết quý 3/2024 tăng 4,5% lên 9.953 tỷ đồng.

Một thông tin đáng chú ý khác, Viglacera mới đây vừa công bố nghị quyết thông qua việc phê duyệt đề án thành lập và góp vốn để lập công ty con.

Cụ thể, công ty con có tên là Công ty Cổ phần Viglacera Phú Thọ với vốn điều lệ 600 tỷ đồng, trong đó Viglacera sẽ góp tối thiểu 306 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 51%. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về lĩnh vực hoạt động của công ty này vẫn chưa được công bố.

Đến cuối quý 2/2024, Viglacera sở hữu 21 công ty con trực tiếp và 6 công ty con gián tiếp. Nếu Công ty Cổ phần Viglacera Phú Thọ chính thức được thành lập, số lượng công ty con trực tiếp của Viglacera sẽ tăng lên 22.

Một thông tin đáng chú ý khác, Viglacera mới đây đã chốt ngày 14/11/2024 là ngày dự kiến thanh toán cổ tức còn lại năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 12,5%, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.250 đồng.

Với hơn 448 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Viglacera cần chi hơn 560 tỷ đồng cho đợt thanh toán cổ tức trên.

Với tỷ lệ sở hữu 50,21% vốn tại Viglacera, Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex có thể nhận về 281 tỷ đồng cổ tức. Đồng thời, Bộ Xây dựng là cổ đông lớn nắm 38,58% vốn tại Viglacera cũng sẽ nhận về 216 tỷ đồng cổ tức từ doanh nghiệp này.

anh-chup-man-hinh-2024-10-25-luc-161405-8046-403.png
Thị giá cổ phiếu VGC trong thời gian gần đây

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 25/10, cổ phiếu VGC đóng cửa ở mức 40.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của công ty trên thị trường đạt khoảng 18.158 tỷ đồng.

Trong năm 2024, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế của Viglacera có thể giảm 17,7% so với cùng kỳ, xuống mức 1.440 tỷ đồng do nhu cầu kính xây dựng vẫn chưa phục hồi.

SSI Research kỳ vọng Viglacera sẽ cho thuê 180 ha đất khu công nghiệp, tăng 4% so với cùng kỳ trong năm 2024, chủ yếu tại các Khu công nghiệp Yên Phong IIC, Thuận Thành và Phú Hà.

Nhóm chuyên gia công ty chứng khoán này dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận gộp năm 2024 của Viglacera lần lượt là 3.900 tỷ đồng và 1,97 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 8% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kính xây dựng dự kiến lỗ gộp 323 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...