Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay quỹ đất còn lại sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê trong các khu công nghiệp không còn nhiều, do tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp cao, phần diện tích còn lại vướng bồi thường giải toả hoặc chưa hoàn tất các thủ tực pháp lý để triển khai hạ tầng, kỹ thuật (điển hình như khu công nghiệp Amata Long Thành).
Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ quỹ đất tại các khu công nghiệp để nắm rõ khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, sau đó báo cáo, đề xuất tham mưu UBND tỉnh xử lý, cần thiết phải điều chỉnh diện tích khu công nghiệp đối với diện tích không có khả năng triển khai.
Đồng thời, giao Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát lại quy hoạch của các khu công nghiệp, có chuyên đề cụ thể, đối với khu công nghiệp nào chưa đạt 70% thì yêu cầu nhà đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định.
Khi có hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp sớm thực hiện, báo cáo UBND tỉnh xem xét phê duyệt, đảm bảo cập nhật theo quy định.
Bên cạnh đó, việc xây dựng thể chế, pháp luật về quản lý nhà nước trong khu công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu, đề xuất tham mưu văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ giải quyết các vướng mắc liên quan trong quá trình thực hiện và thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cũng chấp thuận cho Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan, rà soát danh mục các dự án mời gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh thực hiện kế hoạch sơ bộ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước năm 2021.