Du lịch Việt Nam “bỏ quên” thị trường ASEAN

Việc hình thành Cộng đồng chung ASEAN được kỳ vọng mang đến cho ngành du lịch một thị trường lớn. Nhưng có vẻ như các nước láng giềng tận dụng lợi thế này tốt hơn Việt Nam.
Du lịch Việt Nam “bỏ quên” thị trường ASEAN

“Xuất siêu”

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm ngoái, trong tổng số 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì có hơn 1,45 triệu lượt đến từ bảy nước ASEAN gồm Thái Lan, Lào, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Campuchia. Hai nước Myanmar và Brunei có lượng khách đến không đáng kể.

Trước đây, thị trường ASEAN thường chiếm khoảng 20% tổng lượng khách quốc tế đến nhưng nay đã giảm xuống, một phần do sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách Trung Quốc, Hàn Quốc; phần khác do sự sụt giảm của một số thị trường trong khu vực ASEAN. Như Campuchia từng là thị trường đứng trong tốp 5 của du lịch Việt Nam, đem đến hơn 423.000 lượt khách vào năm 2011, nhưng đến năm ngoái, lượng khách giảm chỉ còn gần một nửa. Những thị trường khác cũng tăng rất ít, thậm chí giảm trong những năm gần đây.

Trong khi đó, theo số liệu từ cơ quan xúc tiến du lịch các nước, lượng khách từ Việt Nam tăng trưởng tốt và được xếp vào nhóm những thị trường quan trọng. Campuchia và Thái Lan đón trên dưới hai triệu lượt khách mỗi năm, Singapore đón 469.000 lượt, Malaysia có hơn 216.000 lượt...

Với nhiều nước, khối ASEAN đang trở thành thị trường nguồn đem đến lượng khách lớn. Thậm chí tại Malaysia, tỷ lệ khách ASEAN chiếm đến 76% trong tổng số 26,7 triệu lượt khách quốc tế đến nước này hồi năm ngoái và Việt Nam thì đang “xuất siêu” du khách sang đây.

Sự mất cân bằng giữa luồng khách đến và đi của du lịch Việt Nam càng được chú ý nhiều hơn khi Cộng đồng ASEAN được thành lập. Nhiều người cho rằng với dân số khu vực hơn 600 triệu dân, khoảng cách địa lý gần, các điều kiện giao thông, nhập cảnh đều thuận lợi thì việc bỏ lỡ thị trường này là một thiếu sót lớn của ngành du lịch.

Giám đốc một công ty du lịch tại TPHCM cho biết lượng khách ASEAN đến Việt Nam qua công ty này đã giảm 5-10% do những nguyên nhân như đối tác chê điểm đến ở Việt Nam không mới, giá không cạnh tranh, không hỗ trợ bạn hàng bán tour, ít chương trình tiếp thị nên không phổ biến được đến nhiều người...

Thêm vào đó, Việt Nam bị cạnh tranh mạnh mẽ từ nhiều điểm du lịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, sau khi thị trường chính là Trung Quốc suy giảm, khách chuyển sang du lịch các nước Đông Nam Á khiến sự cạnh tranh càng dữ dội hơn. Doanh nhân này nói: “Một bạn hàng ở Indonesia cho biết người xứ ông thích đi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc vì đối với họ, đó là những điểm đến mới, có giá tốt”.

Ông cũng cho biết công ty đã không thể đáp ứng yêu cầu của đối tác là cung cấp dịch vụ mặt đất cho tour 4 ngày 3 đêm tại TPHCM và một số điểm lân cận ở mức giá 130-150 đô la Mỹ. Thế nhưng Jeju (Hàn Quốc) hay Thái Lan có thể chào được mức giá đó do giá khách sạn thấp, kèm với sự hỗ trợ của chuỗi dịch vụ khép kín từ vận chuyển, các dịch vụ mặt đất đến mua sắm, tham quan.

Tưởng dễ mà khó

Cộng đồng ASEAN có những nét tương đồng về văn hóa và điều kiện tự nhiên, được xem là một thị trường lớn, thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, chính sự tương đồng về nhiều mặt giữa các thị trường đòi hỏi người làm du lịch phải hết sức linh hoạt để tạo những sản phẩm phù hợp, thu hút khách, cạnh tranh với các nước lân cận, cũng như phải thay đổi cách tiếp thị nhằm bắt kịp xu hướng mới.

Trước hết, nếu so sánh về giá, mức độ tiện lợi và phong phú trong dịch vụ, Việt Nam khó có thể cạnh tranh với Thái Lan, Singapore hay Malaysia. Giá tour Việt Nam thường cao vì nhiều sản phẩm, dịch vụ trong nước còn mới, thời gian khấu hao chưa nhiều nên chưa thể có giá tốt, chưa kể tới sự thiếu liên kết giữa các ngành liên quan khiến chưa tạo lập được một hệ thống cung cấp dịch vụ có giá tốt.

Cửa ngõ hàng không của các nước này cũng có những lợi thế hơn Việt Nam, giúp du khách đi lại thuận tiện hơn, lượng khách nhiều hơn. Họ có nhiều đường bay giúp khách tiết kiệm tiền vé và nhất là tiết kiệm thời gian. Chương trình tour của họ cũng nhiều hơn trong cùng một thời gian hoặc du khách có thể rút ngắn thời gian tour. Họ cũng là những “bậc thầy” về tạo sản phẩm, dịch vụ mới và là “nhà” của hàng loạt trung tâm mua sắm, cửa hiệu, do vậy, nói về những tour tham quan kết hợp mua sắm thông thường, Việt Nam rất khó cạnh tranh.

Ông H., một người có kinh nghiệm gần 10 năm tiếp thị du lịch Thái Lan tại Việt Nam, cho biết lượng khách Thái Lan sang Việt Nam nhiều nhất ở các cửa khẩu miền Trung. Ở đây, du khách có thể thăm thú các thắng cảnh, đến những bãi biển đẹp, nhưng nếu nối chuyến đến TPHCM thì họ lại... “không biết làm gì” vì sản phẩm khá tương đồng. “Tuy nhiên, không nên chỉ nhìn vào du khách Thái Lan mà cần nhìn thị trường Thái Lan ở lợi thế có nhiều chặng bay nối chuyến để liên kết kéo khách đến từ nước thứ ba”, ông nói.

Cũng theo ông H., sau nhiều năm phát triển, ngành du lịch Thái Lan đang tiếp tục làm mới sản phẩm cho du khách quốc tế, trong đó có việc kết nối với các nước trong khu vực làm tour đi tới hai hoặc ba điểm đến. Trong khi du lịch Việt Nam chưa có văn phòng đại diện ở nước ngoài thì rất nên tận dụng cách này - cùng hợp tác, chia sẻ kinh phí để tổ chức các hoạt động thu hút du khách.

Từ trước đến nay, khâu tiếp thị của du lịch Việt Nam luôn bị xem là yếu và chưa theo kịp xu hướng mới, thậm chí là quá ít ỏi với các thị trường gần như ASEAN. Hiện mỗi năm, ngành du lịch vẫn tham gia gian hàng ở ATF (hội chợ du lịch thường niên của ASEAN) và tổ chức vài roadshow ở ASEAN nhưng vẫn chỉ tập trung vào hình thức B-B (doanh nghiệp - doanh nghiệp).

Trong khi đó, bên cạnh B-B, nhiều nước khác đang gia tăng các hoạt động B-C (doanh nghiệp - khách hàng) có sự hỗ trợ của cơ quan xúc tiến du lịch. Trong khi các roadshow của du lịch Việt Nam chỉ diễn ra trong phòng họp ở khách sạn thì nhiều điểm đến khác, người ta tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch, nghệ thuật, kèm cả bán tour trực tiếp ngay tại các trung tâm thương mại nhộn nhịp hay một số điểm công cộng có nhiều người lui tới.

Một số doanh nghiệp và du khách cũng cho rằng du lịch Việt Nam cần phải tiếp thị nhiều hơn và chuẩn bị dịch vụ tốt hơn cho khách ASEAN, đặc biệt là khách Hồi giáo số lượng lớn đến từ Indonesia, Malaysia.

Fazalin Kamaruddin, 39 tuổi, người Malaysia, cho biết cô đi du lịch mỗi năm, đến Brunei, Indonesia, Singapore, Ấn Độ và gần đây là Nhật Bản. Việc cô chọn những điểm đến này cũng từ việc được tiếp cận thường xuyên hình ảnh các điểm đến cùng thông tin về các gói khuyến mãi. “Có nhiều nơi có hẳn những chương trình trọn gói cho du khách Hồi giáo. Ngay cả Nhật Bản cũng đang cố gắng thu hút khách bằng việc cung cấp phòng cầu nguyện ở sân bay và quảng bá các món ăn Halal. Với một số người Malaysia, TPHCM nổi tiếng là một điểm mua sắm trang phục Hồi giáo, hàng nông sản cũng khá thú vị, nhưng cần phải được quảng bá nhiều hơn”, cô Kamaruddin nhận xét.

Là người làm công việc có liên quan đến quảng bá hình ảnh đất nước tại một cơ quan chính phủ của Malaysia, cô Kamaruddin cho rằng bên cạnh những yếu tố tiếp thị thông thường như các hoạt động mua sắm, tham quan di tích, những bãi biển đẹp..., còn rất nhiều thứ mà du lịch có thể giới thiệu đến du khách và phải tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu. Chẳng hạn việc phát hiện một hang động, một cánh rừng... cũng là cái cớ hay để cập nhật thông tin về điểm đến cho khách hàng.

Trong điều kiện thiếu kinh phí quảng cáo trên truyền hình hay báo in thì có thể đưa các clip video giới thiệu lên các kênh miễn phí như Youtube, Facebook, hay gửi đến các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài. “Phải tận dụng mọi kênh có thể! Cần lưu ý đối với những thị trường gần như ASEAN thì các chương trình tiếp thị có thể tác động nhanh nên phải có sự chuẩn bị dịch vụ cho khách du lịch tự do, điều mà Thái Lan, Singapore đang làm rất tốt”, cô nói.

Theo Saigontimes.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...