Chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Nếu lướt sóng thì phải có hiểu biết, có nhiều thông tin và phản ứng rất nhanh với thị trường.
Sau chuỗi ngày tăng giá liên tục, đỉnh điểm là phiên giao dịch ngày 6/7, giá vàng bán ra trong nước đã tiệm cận mốc 40 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, bắt đầu từ sáng 7/7, giá vàng quay đầu giảm và tính đến cuối ngày giảm tới 2,5 triệu đồng/lượng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong xung quanh vấn đề này:
Nhiều người mất tiền khi lỡ mua vàng ở vùng đỉnh giá (ảnh minh họa: Trọng Trinh)
- Thưa ông, ông có những đánh giá gì về diễn biến giá trên thị trường vàng những ngày gần đây?
Cho đến chiều qua, chúng ta đã chứng kiến giai đoạn bùng nổ của giá vàng. Nửa đầu năm, giá vàng tăng tới 25% và chỉ trong 2 tuần qua, giá vàng tăng tiếp 10%. Tôi cho đây là cú "tăng sốc" của giá vàng sau khi được ổn định trong một thời gian khá dài. Điều này xuất phát từ ba nhân tố: Một là, giá vàng trong nước gắn với biến động giá trên thị trường thế giới.
Từ đầu năm đến nay, các quỹ vàng trên thế giới đã tăng mua vào rất mạnh, ước tính trên 500 tấn vàng. Một số nhà đầu cơ trên thế giới cũng vào cuộc khiến cho chênh lệch cung - cầu theo xu hướng tăng cầu nhưng nguồn cung không thay đổi. Đây là yếu tố về mặt kỹ thuật khiến giá vàng tăng. Hai là, sau sự kiện Anh rời EU (Brexit), cùng với tâm lý do giới đầu cơ thì những phân tích về mặt logic và bình luận trên truyền thông, sự rỉ tai nhau của đám đông đã khiến giá vàng tăng rất mạnh.
Chúng ta thấy rõ có 2 sự chênh biệt giữa giá trong nước và giá nước ngoài; giữa giá mua và giá bán, cho thấy tâm lý đầu cơ là rất lớn. Ba là, xét về mặt logic dài hạn thì sự kiện Brexit mang đến rất nhiều hệ lụy kéo dài, tác động đến phạm vi toàn cầu. Anh là nền kinh tế lớn, lớn thứ 5 thế giới và tạo ra sự thay đổi về triển vọng phát triển. Do đó, vàng trở thành kênh lựa chọn "an toàn" - đây cũng là phương thức trú ẩn truyền thống từ trước đến nay.
Ngoài ra, trong nước cũng có một số yếu tố khiến giá vàng tăng. Đó là, đã lâu Ngân hàng Nhà nước không tổ chức những phiên đấu thầu vàng để tăng cung vàng về mặt danh nghĩa. Bên cạnh đó, thị trường đang xuất hiện một số tình huống liên quan đến cơ hội đầu tư. Một thực tế là đầu tư vàng mang tính chất lướt sóng đang đem lại lợi nhuận cao hơn và một số nhà đầu tư chuyên nghiệp vào cuộc, đẩy giá vàng lên. Đây là một xu hướng rất nguy hiểm và cần phải rất thận trọng, nếu không muốn mình trở thành nạn nhân trên thị trường này.
Trong phiên giao dịch hôm qua giá vàng đã giảm rất mạnh nhưng lượng người đổ tới các cửa hàng vàng vẫn lớn. Ông có lưu ý gì trong bối cảnh hiện nay hay không?
Với những nhà đầu tư, rõ ràng lướt sóng trong thời điểm hiện nay là có lợi nếu họ nắm được thông tin và lướt kịp thời. Nhưng điều này cũng đầy rủi ro, khả năng thắng là "50-50". Còn với những người mua vàng tích trữ thì đây không phải là thời điểm phù hợp vì chắc chắn giá vàng sẽ còn biến động, và lâu dài sẽ không neo ở vùng giá cao như hiện nay. Tổng cầu về vàng về thực chất là không lớn, cho nên việc mua vàng giá cao để tích trữ bây giờ là không nên.
Một số thông tin cho biết, giao dịch vàng thực tế trên thị trường không phải là nhiều...?
Thực ra, người Việt Nam trong nửa đầu năm nay không có đột biến về cầu. Lượng tiền trong dân để mua vàng đầu cơ, tích trữ là không nhiều, chỉ có một bộ phận nhà đầu tư rút từ kênh đầu tư khác chuyển sang đầu tư vàng thì tạo ra "sóng". Hơn nữa từ lâu rồi chúng ta không có vàng bổ sung.
Mua bán theo kiểu mua bán khống, giao dịch qua điện thoại cho nên chỗ này đặt hàng, chỗ kia sẽ tăng giá, từ đó tạo nên yếu tố tâm lý, thể hiện ở chênh lệch giá mua - giá bán rất lớn. Thậm chí giá vàng trong nước từ chỗ thấp so với giá thế giới nay lại vọt lên rất cao. Tôi khẳng định, người mua thực sự có nhu cầu, mua để tích trữ là không lớn. Mua để lướt sóng đang xuất hiện nhưng cũng rất nhiều rủi ro. Những nhà đầu tư đó cần hết sức thận trọng.
Vậy ông có lưu ý gì với người dân đang có ý định mua vàng hiện nay?
Đầu tư vàng hiện này có gấp đôi rủi ro so với những mặt hàng khác. Thứ nhất là do giá cả biến động theo giá thế giới, rất khó dự báo trong bối cảnh hiện nay. Thứ hai là chúng ta đang độc quyền vàng nên việc tìm nguồn bổ sung chủ động là không có. Tất cả phụ thuộc vào nguồn cung của thị trường và của Nhà nước, và Nhà nước trong bối cảnh hiện nay chưa có ý định bổ sung. Cho nên nếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ, đầu tư theo yếu tố tâm lý, theo kiểu lướt sóng thì rất dễ trở thành nạn nhân của sự thiếu hiểu biết, của những phản ứng chậm trễ của chính mình.
Ông nghĩ sao về đề xuất huy động nguồn lực vàng trong dân của Hiệp hội Kinh doanh Vàng?
Trên thực tế, Nhà nước chưa có ý định huy động nguồn lực vàng trong dân, đây mới chỉ là đề nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng. Từ trước đến nay Nhà nước không cấm quyền huy động vàng trong dân, chỉ cấm mua bán vàng ảo, hoặc huy động với tư cách là đơn vị tín dụng. Vừa rồi Hiệp hội Kinh doanh vàng có đề nghị cho họ huy động vàng với một loạt các biện luận, tuy nhiên, tôi cho rằng còn rất nhiều vấn đề phải làm rõ.
Ví dụ, căn cứ vào đâu để nói rằng không có rủi ro? Vì các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng chỉ là đơn vị kinh doanh, đi vay vàng của xã hội thì lấy gì ra để thế chấp, đảm bảo? Giá vàng lên xuống nếu như đơn vị đó đổ vỡ, phá sản thì ai chịu trách nhiệm? Hơn nữa, các đơn vị đó mua vàng của dân, rồi lại tự đánh giá và bán ra cho dân, người dân sẽ dễ bị ép phải nhận loại vàng với chất lượng thấp hơn so với lúc họ cho vay. Đó là rủi ro kép cho người cho vay vàng.
Xưa nay vàng vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn, nhưng cũng đã rất nhiều người mất tiền vì đặt niềm tin vào vàng...
Hiểu vàng là kênh đầu tư an toàn không có nghĩa là đầu tư theo kiểu mua đi bán lại. Vàng đóng vai trò bảo đảm giá trị tài sản, nhưng cũng chỉ an toàn trong một thời gian nhất định mà thôi. Một lượng vàng trước đây mua được cả cái nhà chứ bây giờ sao mua được?
Vàng vẫn là nơi cất giữ tài sản tốt nhưng trong bối cảnh giá vàng biến động lên xuống mạnh thì phải cẩn trọng: Nếu muốn lướt thì phải rất chủ động, phải có rất nhiều thông tin và phản ứng rất nhanh với thị trường. Còn nếu muốn giữ thì phải mua vào thời đểm tốt chứ không phải là mua vào thời điểm giá đang lên cao rồi chờ mãi không thấy giá vàng quay trở lại được xu hướng tăng như lúc mua vào nữa.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!
Rất khó làm giàu trên thị trường vàng
Trao đổi thêm với phóng viên về vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, thị trường vàng không phải là sân chơi cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, vì đã nói "đầu tư" thì phải có lượng vốn tương đối lớn. Mỗi người giữ vàng có những mục tiêu khác nhau, tuy nhiên dù với mục tiêu nào thì với bối cảnh phức tạp như hiện nay không nên bị cuốn vào trào lưu mà đi mua vàng. Nhìn chung, "với những người bình thường, không có nghiệp vụ kinh doanh thì rất khó để giàu trên thị trường vàng", ông Tuyến nhận định. Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính ) nói rằng, tình trạng "đánh lên, đánh xuống" trên thị trường rất phức tạp. Việc người có tài sản tham gia thị trường nhằm lướt sóng trong bối cảnh hiện tại một phần xuất phát từ khẩu vị rủi ro. Muốn lợi nhuận lớn thì chấp nhận rủi ro cao và không ai khác, chính nhà đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình.
Bích Diệp/Dân trí