Eximbank có quyền Tổng giám đốc mới

Đây là một phần trong chuỗi những thay đổi đáng chú ý về nhân sự cấp cao, định hướng chiến lược và cả vị trí trụ sở chính của Eximbank trong thời gian gần đây.

Ngày 1/7 đánh dấu một bước ngoặt mới trong bộ máy điều hành tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB), khi ngân hàng này chính thức bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc làm Quyền Tổng giám đốc, thay cho ông Nguyễn Hoàng Hải.

Ông Nguyễn Hoàng Hải từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc thường trực kể từ tháng 8/2023, và sau đó được giao vai trò Quyền Tổng giám đốc từ tháng 10 cùng năm. Trong gần một năm điều hành, ông Hải được ghi nhận là người góp phần củng cố hoạt động kinh doanh, cùng Ban điều hành đưa ra nhiều giải pháp tăng hiệu quả hoạt động. Sau khi rời vị trí Quyền Tổng giám đốc, ông Hải vẫn tiếp tục đồng hành cùng Eximbank với vai trò cố vấn cho Hội đồng quản trị.

Thay thế ông Hải là ông Trần Tấn Lộc, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng và hiện đang giữ chức Phó tổng giám đốc. Với sự am hiểu sâu sắc về hệ thống vận hành, ông Lộc được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và dẫn dắt ngân hàng trong giai đoạn chuyển mình sắp tới.

Không chỉ thay đổi vị trí Tổng giám đốc, Eximbank còn đồng loạt điều chỉnh hàng loạt vị trí lãnh đạo chủ chốt. Cụ thể, từ ngày 30/6, bà Phạm Thị Huyền Trang, thành viên Hội đồng quản trị được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2025-2030. Với hơn một thập kỷ gắn bó cùng VietinBank và kinh nghiệm quản lý tại các tập đoàn lớn như Sun Group, Đèo Cả, bà Trang được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong định hình chiến lược phát triển dài hạn của ngân hàng.

Cùng ngày 1/7, ông Nguyễn Văn Hòa, người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc trong thời hạn một năm.

Năm thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank (từ trái sang) ông Nguyễn Cảnh Anh, bà Phạm Thị Huyền Trang, bà Đỗ Hà Phương, ông Phạm Tuấn Anh và ông Hoàng Thế Hưng

Một trong những bước đi mang tính chiến lược của Eximbank trong năm nay là kế hoạch chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội. Ngày 24/6, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận đề xuất này, cho phép Eximbank dời trụ sở từ tầng 8, tòa nhà Vincom Center (72 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM) về địa chỉ mới tại số 27-29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Văn bản chấp thuận có hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký.

Đại diện ngân hàng khẳng định, khi được cơ quan có thẩm quyền chính thức cho phép thực hiện việc di dời, Eximbank sẽ có phương án phân bổ nhân sự linh hoạt, phù hợp với xu hướng số hóa ngành ngân hàng. Nhân sự có thể làm việc tại trụ sở mới, làm việc từ TP.HCM hoặc từ xa, tùy theo tính chất công việc.

Giữa những thay đổi mạnh mẽ về nhân sự và cơ cấu tổ chức, Eximbank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1/2025. Lợi nhuận trước thuế đạt 832 tỷ đồng, tăng trưởng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần – nguồn thu chủ lực, đạt 1.354 tỷ đồng. Đặc biệt, mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận mức tăng trưởng đột biến với lãi thuần đạt 201,7 tỷ đồng, tăng tới 141%.

Hoạt động dịch vụ ngân hàng mang về 146 tỷ đồng, tăng 32,2%, còn các khoản thu nhập khác đạt 109 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vượt 1.800 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ, phản ánh nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu đã bước đầu mang lại hiệu quả.

Tính đến cuối quý 1/2025, tổng tài sản của Eximbank đạt 251.133 tỷ đồng, tăng 4,74%. Cho vay khách hàng đạt 180.336 tỷ đồng, tăng 9,2%, trong khi dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 182.258 tỷ đồng, tăng 8,34%.

Diễn biến cổ phiếu EIB trong phiên sáng ngày 1/7

Tuy vậy, diễn biến trên thị trường chứng khoán lại không phản ánh tích cực những chuyển biến nội tại của Eximbank. Trong phiên giao dịch sáng ngày 1/7, cổ phiếu EIB giảm 0,44% còn 22.750 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch lên đến 3,8 triệu đơn vị. Đáng chú ý, trong vòng một tuần qua, mã cổ phiếu này đã mất hơn 2% giá trị.

Có thể bạn quan tâm