Eximbank đặt mục tiêu lãi trước thuế 5.000 tỷ, phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức

Ngân hàng Eximbank dự kiến lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 là 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với năm 2022. Đồng thời lên kế hoạch phát hành gần 265,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 18%...
Ngân hàng Eximbank dự kiến lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 là 5.000 tỷ

Sáng ngày 14/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán: EIB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đại hội đã thông qua nhiều quyết định quan trọng như kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, phương án xử lý cổ phiếu quỹ, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025...

Cụ thể, đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh trong năm 2023, ngân hàng Eximbank dự kiến lợi nhuận trước thuế là 5.000 tỷ, tăng trưởng 35% so với năm 2022. Tổng tài sản ngân hàng sẽ đạt ngưỡng 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng ở mức 146.600 tỷ, tăng 12,3% so với cuối năm trước; tỷ lệ nợ xấu nội bảng khống chế dưới 1,6%.

Về nguồn vốn, ngân hàng Eximbank dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 17.469 tỷ; huy động vốn từ thị trường 1 và 2 đạt 165.000 tỷ, tăng 11%.

Theo báo cáo của ban lãnh đạo ngân hàng Eximbank, về kết quả kinh doanh năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 3.709 tỷ, tăng 207,7% so với năm 2021, hoàn thành 148% kế hoạch đại hội cổ đông đề ra.

Kết thúc năm tài chính, tổng tài sản của ngân hàng Eximbank là 185.056 tỷ, tăng 11,6% so với năm 2021. Huy động vốn đạt 148.615 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2021. Dư nợ tín dụng 130.581 tỷ, tăng 13% và vượt 3% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,80 , giảm 0,14 điểm % so với năm 2021 và tăng 0,1 điểm % so với kế hoạch.

Theo Hội đồng quản trị, ngân hàng đã giảm mạnh danh mục đầu tư trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, ưu tiên vốn cho vay phục vụ tiêu dùng thiết yếu, sản xuất kinh doanh. Cơ cấu danh mục cho vay tập trung tăng trưởng vào phân khúc khách hàng SME, cá nhân, cho vay nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; giảm dần hạn mức các khoản vay không có tài sản bảo đảm.

Tính đến cuối năm 2022, ngân hàng Eximbank đã trích và sử dụng dự phòng rủi ro trên 1.300 tỷ đồng, trong đó dự phòng chung 966 tỷ đồng, dự phòng cụ thể 342 tỷ đồng. Tổng số dự phòng cụ thể đã sử dụng để xử lý nợ trong năm là 166 tỷ đồng.

Về việc phân bổ lợi nhuận năm 2022, sau khi trừ thuế, trích lập các quỹ, cộng thêm lợi nhuận chưa phân phối từ các năm trước, ngân hàng còn 2.780 tỷ đồng có thể dùng để chia cổ tức. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo ngân hàng trình cổ đông kế hoạch trích 2.655 tỷ từ nguồn ngân sách kể trên để chia cổ tức.

Sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận năm 2017-2021 vốn điều lệ của ngân hàng Eximbank là 14.814 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo ngân hàng kiến nghị chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Eximbank dự kiến phát hành gần 265,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 18% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận tối đa 18 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành sẽ tăng từ 14.814 tỷ đồng lên 17.470 tỷ đồng.

Lợi nhuận chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức hơn 125 tỷ đồng, được giữ lại để củng cố và nâng cao năng lực tài chính Ngân hàng. Thời gian thực hiện trong năm 2023, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Ở một diễn biến khác, Hội đồng quản trị ngân hàng Eximbank đã đề xuất với cổ đông bán toàn bộ hơn 6 triệu cổ phiếu quỹ.

Trong tháng 3 vừa qua, ngân hàng Eximbank đã phát hành gần 246 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%. Đây là lần đầu tiên Eximbank chia cổ tức kể từ năm 2014 đến nay. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được thực hiện vào năm 2014.

Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng, dự kiến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, trụ sở làm việc, đầu tư công nghệ,...

Một nội dung đáng chú ý khác, đại hội đã thông qua đơn xin từ nhiệm của 2 Thành viên Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng.

Đồng thời, đại hội lần này cũng bầu bổ sung 1 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 theo danh sách ứng viên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Bà Doãn Hồ Lan là ứng viên dự kiến được bầu bổ sung với chức danh Thành viên Ban kiểm soát không chuyên trách.

ngân hàng Eximbank
Kết phiên giao dịch sáng ngày 14/4, cổ phiếu EIB ghi nhận ở mức 20.250 đồng/cổ phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch sáng ngày 14/4, cổ phiếu EIB của ngân hàng Eximbank ghi nhận ở mức 20.250 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa trên thị trường vào khoảng 29.875 tỷ đồng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...