Bên cạnh những hiệu ứng và sự lan toả tích cực, thể hiện ở sự tăng trưởng GDP, hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu và tạo ra hàng chục triệu công ăn việc làm, cả trực tiếp lẫn gián tiếp hay trở thành động lực để Việt Nam hoàn thiện dần thể chế pháp luật và bộ khung chính sách theo hướng ngày càng tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế, FDI còn "thúc giục" hệ thống doanh nghiệp Việt Nam thay đổi để phù hợp với quy luật phát triển.
Cùng với FDI, tiến trình hình thành nên một lực lượng các nhà quản trị DN cao cấp ở Việt Nam đã được rút ngắn, thể hiện đặc biệt trong khu vực DN tư nhân. Và nói như ông Phạm Phú Ngọc Trai, người Việt Nam đầu tiên nắm giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Pepsico Đông Dương - một trong những DN FDI có mặt sớm nhất khi Việt Nam mở cửa, sự thành công nhất định của một DN nước ngoài là đã trực tiếp tạo ra “lò” đào tạo nhân lực cấp cao.
“Điều khiến tôi tự hào nhất cho những năm tháng làm việc tại DN này chính là góp phần xây dựng được đội ngũ những nhà quản trị DN tiên phong cho đất nước”, chia sẻ từ ông Trai.
Hay ví dụ tiêu biểu tiếp theo phải kể đến là Lê Trung Thành - người từng là Phó chủ tịch PepsiCo, Giám đốc ngành hàng Unilever rồi sau đó “đầu quân” về với Tập đoàn Viễn Thông Quân đội Vietel sau 15 năm “tầm sư học đạo” thì quãng thời gian trải nghiệm ở các DN nước ngoài là những ký ức đẹp khó quên. “Làm việc với người nước ngoài khiến tư duy và nhân sinh quan của tôi thay đổi rất nhiều, giúp dần hình thành phương châm làm việc tích cực, biết nhìn xa trông rộng hơn”, ông Thành đúc kết.
Với một cái tên khá nổi tiếng khác là Nguyễn Anh Nguyên - chàng kỹ sư điện “chạy” sang học lập trình, nhờ “bén” duyên với Unilever thời mở cửa mà đã dần trở thành thủ lĩnh công nghệ thông tin của Tập đoàn này tại Việt Nam - khoảng thời gian làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài đã hình thành nên “máu” của người thủ lĩnh, sáng tạo và biết chấp nhận rủi ro, dám làm dám chịu. “Ở DN như nơi tôi đã từng qua, bạn sẽ được giao những nhiệm vụ tưởng chừng không bao giờ làm được. Bạn được tin tưởng trao cho nguồn lực cần thiết, được gợi ý và hỗ trợ để thực hiện tới cùng thách thức đó. Và quan trọng là bạn không bị phạt khi thất bại”, nhà quản lý cấp cao một thời tại Unilever chia sẻ và tin rằng tư tưởng quản trị ấy đã tồn tại cùng các “đế chế” FDI hàng trăm năm tuổi nghĩa là đã được lịch sử sàng lọc để đạt tới sự hợp lý nhất định.
Đó chỉ là những ví dụ tiêu biểu nhất, cụ thể nhất cho một thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp, một thế hệ doanh nhân "đi lên" từ các doanh nghiệp FDI, trở thành những con người có khả năng "khai phá" và mở đường cho một sự cải cách về lãnh đạo, về quản trị và lớn hơn là tầm nhìn trong kinh doanh thời kỳ hội nhập.
Tạm “sơ kết” 30 năm thu hút FDI, cùng với nhiều mảng “sáng” đáng trân trọng, vẫn còn đó những khoảng “xám” cần xóa dần. Và nói gì thì nói, FDI đã và sẽ vẫn là một khu vực quan trọng với tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam và là cơ hội mở ra một "thế hệ vàng" cho những nhà quản trị doanh nghiệp ở "phân khúc" cao cấp.
>> Liên kết FDI: 4 vấn đề cần cải thiện để đi vào thực chất