Fed tiếp tục nâng lãi suất, chứng khoán Mỹ lao dốc

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên 22/3 giảm mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra mức tăng chính sách 0,25 điểm phần trăm…
chứng khoán Mỹ

Ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng cao hơn vào đầu phiên nhưng đã trượt giảm ngay sau khi các nhà đầu tư theo dõi phiên hỏi đáp của Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 530,49 điểm, tương đương 1,63%, còn 32.030,11 điểm, chỉ số S&P 500 mất 65,9 điểm, tương đương 1,65%, còn 3.936,97 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 190,15 điểm, hay 1,6%, xuống 11.669,96 điểm.

Tất cả 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều chìm sâu trong sắc đỏ, trong đó bất động sản chịu mức giảm phần trăm lớn nhất mức kể từ ngày 13/9/2022.

Lĩnh vực ngân hàng đã đảo chiều hướng sau hai phiên phục hồi, với chỉ số S&P Banks và chỉ số Ngân hàng khu vực KBW lần lượt giảm 3,7% và 5,3%.

Trên các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu của ngân hàng First Republic giảm 15,5% do giao dịch không ổn định trong bối cảnh lo ngại rằng công ty có thể phải thu hẹp quy mô hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ.

Ngân hàng Pacific Western ghi nhận mức giảm 17,1% dù đã đưa ra thông báo huy động được 1,4 tỷ USD từ công ty đầu tư Atlas SP Partners. Tổ chức tài chính Western Alliance Bancorp cũng mất 5% vào cuối phiên. 

Ở lĩnh vực bán lẻ, cổ phiếu Nike Inc đã giảm 4,9% sau khi nhà sản xuất trang phục thể thao này nâng triển vọng doanh thu cả năm vào 21/3 nhưng cảnh báo về áp lực lợi nhuận.

Trong khi đó, “con cưng” của ngành bán lẻ Mỹ GameStop Corp tăng 35,2% nhờ công bố mức lợi nhuận quý 4 cao bất ngờ.

Nền tảng thương mại điện tử ô tô đã qua sử dụng Carvana Co cũng tăng 6,3% sau dự kiến giảm mức lỗ trong quý hiện tại nhờ các biện pháp cắt giảm chi phí.

S&P 500 đã đăng sáu mức cao mới trong 52 tuần và 13 mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 44 mức cao mới và 179 mức thấp mới.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 11,84 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 12,70 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Nhận xét về diễn biến trên Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 22/3, nhà đầu tư Chris Zaccarelli cho biết: “Thị trường được khuyến khích khi nghe tin Fed đã cân nhắc tạm dừng lộ trình tăng lãi suất nhưng sau đó lại thất vọng khi ông Powell nói rõ rằng Fed sẵn sàng quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống lạm phát nếu cần”.

Trong tuyên bố sau cuộc họp của Fed, các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho biết bên cạnh mức tăng 0,25 điểm phần trăm trong tháng này, Fed có thể sẽ có thêm một số biện pháp thắt chặt nữa nếu tình hình lạm phát vẫn chưa giảm nhiệt. Nhưng cơ quan này cũng gợi ý rằng các đợt tăng lãi suất trong tương lai có thể sớm được tạm dừng do những bất ổn gần đây trong lĩnh vực tài chính.

Bên cạnh đó, ông Jerome Powell cũng tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các biện pháp phù hợp để giữ cho hệ thống ngân hàng được khoẻ mạnh, đồng thời nhấn mạnh một lần nữa cam kết trong việc kiềm chế lạm phát.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư lo lắng rằng cuộc chiến chống lại lạm phát của Fed có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái và những bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, điển hình là sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB) và ngân hàng Signature Bank. 

Ngoài việc chịu tác động từ tuyên bố của Fed, tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán trở nên trầm trọng hơn khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận xét trước các nhà lập pháp rằng Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) không xem xét bảo hiểm toàn diện cho các khoản tiền gửi phát sinh từ các bất ổn gần đây trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. 

Có thể bạn quan tâm