So với vùng giá 24.000 đồng/cp hồi đầu đầu tháng 8, hiện nay cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) đã mất 76,3% giá trị chỉ còn giao dịch tại mức giá 5.690 đồng/cp, tương đương tài khoản của các nhà đầu tư "bốc hơi" 915,5 tỷ đồng chỉ trong 23 phiên giao dịch, trong đó có tới 20 phiên giảm sàn với thanh khoản mất hút.
Lý do lớn nhất khiến cổ phiếu FTM rơi vào tình cảnh hiện tại, theo một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, là do bị cắt margin. Trước khi báo cáo tài chính soát xét bán niên được công bố, cổ phiếu FTM vẫn nằm trong danh sách các cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ.
"Xào" thanh khoản?
Nhìn vào cơ cấu cổ đông của Fortex có thể thấy, công ty đang có danh sách cổ đông khá cô đặc với 9 cổ đông lớn nắm giữ gần 93% vốn công ty. Đáng chú ý, hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu, thay đổi cổ đông lớn chỉ diễn ra sôi nổi sau khi Fortex đưa cổ phiếu lên sàn.
Cụ thể, tại bản cáo bạch niêm yết của công ty hồi đầu năm 2017, công ty có 4 cổ đông lớn gồm ông Lê Mạnh Thường (24%), bà Lê Thuỳ Anh (21,53%), ông Phạm Đình Giá (8,62%) và ông Nguyễn Duy Chiến (5,5%).
Ông Lê Mạnh Thường là nguyên chủ tịch HĐQT công ty đã kịp bán 4,4 triệu cổ phiếu ở vùng giá khoảng15.000 đồng/cp hồi tháng 8,9/2018. Ông Chiến và con của ông Chiến cũng đã kịp bán cổ phiếu. Nhiều cá nhân là người nội bộ công ty cũng đã bán ra cổ phiếu.
Đến báo cáo thường niên năm 2019, công ty chỉ còn 2 cổ đông lớn là ông Lê Mạnh Thường và bà Lê Thuỳ Anh nhưng kể từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2019 những cổ đông mới lần lượt được thay thế các cổ đông "đời đầu" với danh sách cổ đông như hiện nay.
Trong giai đoạn này, thị giá cổ phiếu FTM cũng bắt đầu có biến động mạnh sau một thời gian dài giao dịch trầm lặng kể từ khi chính thức niêm yết. Theo đó, FTM chuyển động từ vùng giá 15.000 đồng/cp (tháng 12/2018) lên 16.800 đồng/cp (phiên 14/1), tương đương mức tăng 12%.
Thanh khoản trong khoảng trung bình từ hơn 900.000 đến 1,6 triệu đơn vị cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên. Tuy nhiên, ngay sau đó, FTM đã điều chỉnh mạnh về vùng giá 14.000 đồng/cp.
Lúc này, thanh khoản của FTM luôn luôn "đầy ắp" không có phiên giao dịch nào có khối lượng khớp lệnh dưới 1 triệu đơn vị nhưng ít giao dịch của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trước diễn biến này của FTM, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, Fortex hoàn toàn có thể dễ dàng đẩy thanh khoản của cổ phiếu lên chỉ bằng "chiêu" lưu ký cổ phiếu ở một vài công ty chứng khoán.
Mức thanh khoản này được duy trì, thậm chí có phiên giao dịch lên tới 2 triệu đơn vị đến khi FTM chinh phục vùng giá 19.000 đồng/cp (29/3).Sự xuất hiện của các nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu nhiều hơn trước đà tăng giá của FTM cùng với thanh khoản ổn định ở mức cao.
Vẫn với "phong độ" từ đầu năm, FTM được "đánh" lên mức giá 25.000 đồng/cp (đầu tháng 7/2019), sức mua của nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng theo đó mà tăng lên.
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch của FTM
"Bẫy" margin?
Sức hấp dẫn của FTM càng tăng hơn khi cổ phiếu bắt đầu được giao dịch ký quỹ (margin). Khi được vay margin cũng là lúc giai đoạn "rút ruột" ngay trên sàn chứng khoán.
Điều này thể hiện qua biến động về giá của FTM sau khi chinh phục mức giá 25.000 đồng/cp, FTM đã có sự điều chỉnh về vùng giá hơn 24.000 đồng/cp với những biên tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp, xuất hiện nhiều hơn phiên đóng cửa tại giá tham chiếu.
Trong giai đoạn này (từ 10/7 đến 13/8), thanh khoản của FTM đã rơi xuống mức trung bình dưới 1 triệu đơn vị/phiên, vẫn có nhưng phiên tăng lên hơn 1 triệu nhưng khá ít.
Dường như sau khi đã "no xôi chán chè" Fortex bắt đầu tung ra tin xấu với lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2019 là con số âm. Cổ phiếu FTM đã có 3 phiên giảm liên tiếp và một phiên giảm sàn xuống còn 22.000 đồng/cp.
Ngày 16/8, HoSE thông báo đưa cổ phiếu FTM vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ hay còn gọi cách khác là cắt margin, dẫn đến tình trạng các công ty chứng khoán đồng loạt bán giải chấp, FTM rơi vào chuỗi giảm sàn liên tiếp 20 phiên và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thanh khoản cũng theo đó mất hút, không có người mua. Từ một cổ phiếu có hàng trăm nghìn đến hàng triệu đơn vị đơn vị mỗi phiên, giờ chỉ còn vài trăm cổ phiếu, thậm chí vài chục, cá biệt lắm có phiên lên đến khoảng hơn 15.000 cổ phiếu được khớp lệnh.
Nếu thực sự mọi diễn biến xấu của FTM thời gian qua là do việc bị cắt margin như nhận định của nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm thì nỗi đau không chỉ riêng các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà còn là của các CTCK.
Bởi trước đó hầu hết các CTCK đều cung cấp dịch vụ cho vay đối với FTM. Hạn mức và tỷ lệ cho vay tuỳ thuộc chính sách từng công ty chứng khoán nhưng thông thường ở mức 30-40% giá trị cổ phiếu trong danh mục.
Tuy nhiên, mới đây ban lãnh đạo của công ty đã lên tiếng sau khi FTM đã mất tới hơn 70% thị giá cho rằng những thông tin liên quan đến cổ phiếu thời gian qua là "tin đồn gây bất lợi đến doanh nghiệp và quyền lợi cổ đông".
"Hiện tại, Fortex cũng đã và đang phối hợp với các cơ quan điều tra để làm rõ các thông tin. Đồng thời, chúng tôi cũng đã và đang gặp gỡ đại diện một số các công ty chứng khoán, các nhà đầu tư để làm rõ các tin đồn thất thiệt và những thông tin quy chụp gây ảnh hưởng đến uy tín công ty", ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Fortex, cho biết.
Đồng thời, ông Giang cho biết, trong thời gian tới, công ty sẽ có những động thái để dập tắt tin đồn và những hành vi tiêu cực trên thị trường chứng khoán gây ảnh hưởng đến uy tín Fortex và làm ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.
Không rõ, ban lãnh đạo công ty đang nói đến sự ảnh hưởng về quyền lợi gì của cổ đông và định bảo vệ bằng cách nào nhưng những gì trước mắt đang thể hiện là cổ đông của Fortex có khả năng "cháy túi" với giá cổ phiếu FTM trên sàn nếu vẫn cứ diễn ra tình trạng giảm sàn và trắng bên mua như hiện nay.