Nguyên nhân được Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) đưa ra là do còn nhiều vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật.
Cụ thể, vướng mắc pháp lý gồm hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận việc đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển.
Vướng mắc kỹ thuật gồm diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là bao nhiều ha trên 1MW công suất dự kiến đối với từng khu vực biển; Chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho 01 dự án là bao nhiêu, chẳng hạn 0,5GW, 1GW hay 2GW...
Dù còn nhiều vướng mắc, nhưng theo bộ TNMT, đã có 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi gửi đến Bộ. Tổng công suất đề xuất là trên 100 GW; đề xuất có công suất nhỏ nhất là 0,5 GW; đề xuất có công suất lớn nhất là 6,0 GW; Tổng diện tích đề xuất khảo sát trên biển xấp xỉ 30.000 km; một số đề xuất có diện tích khảo sát lên tới trên 3.000 km.
Ngoài ra, có 40 đề xuất khác gửi tới UBND các tỉnh ở phạm vi vùng biển từ 6 hải lý trở vào.
Trong số các đề xuất kể trên, có 6 đề xuất là của nhà đầu tư nước ngoài (10,9%); có 13 đề xuất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (23,6%) và có 36 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (65,5%).
Hiện mới chỉ có 1 đề xuất đo gió đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận là của nhà đầu tư trong nước đề xuất, diện tích 36m2 để lắp đặt trạm Lidar gió trên biển phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Bến Tre.
Để đảm bảo tính khả thi của các dự án và tránh những rủi ro tiềm tàng, Bộ TNMT kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Trong thời gian đó, Bộ cho rằng nên tạm dừng việc thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa chất, địa hình đánh giá tác động môi trường trên biển