NEPCON Việt Nam năm 2021 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với mục tiêu thắt chặt quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các quốc gia khác trong lĩnh vực công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia vào thị trường cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex Việt Nam, đại diện Ban tổ chức, cho biết: Triển lãm NEPCON Việt Nam 2021 có sự góp mặt của các đơn vị triển lãm đến từ hơn 10 quốc gia cùng hơn 100 thương hiệu công nghệ & máy móc, thiết bị điện tử tại các khu gian hàng quốc tế trực tuyến đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Đức, Nga, Ấn Độ
Xuyên suốt ba ngày từ 17-19/11/2021, NEPCON Việt Nam sẽ mang đến các hoạt động giao thương thiết thực như chuỗi hội thảo tư vấn chuyên đề, các bản tin cập nhật công nghệ tiên tiến nổi bật từ các thương hiệu hàng đầu trên thế giới và đặc biệt là chương trình hỗ trợ tư vấn miễn phí: “Tọa đàm sáng kiến doanh nghiệp 2021”.
Đây là chương trình trực thuộc Dự án Cộng đồng Sáng kiến Doanh nghiệp do Công ty Reed Tradex khởi xướng từ năm 2020 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vực dậy trong và sau đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, NEPCON Việt Nam 2021 còn có sự đồng hành và tham gia của Dự án USAID LinkSME từ Hoa Kỳ nhằm tìm kiếm, hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhanh chóng phát triển tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Dự án USAID LinkSME mang sứ mệnh tạo điều kiện kết nối giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp quốc tế, giữa các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các công ty trong ngành cũng như giữa các tổ chức kinh doanh và các cơ quan chính phủ đang hoạt động với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh.
Những kết nối kinh doanh này càng trở nên quan trọng hơn trong giai đoạn đầy thử thách như hiện nay. Nhưng những thách thức sẽ luôn truyền cảm hứng cho sự đổi mới đột phá”, ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc Dự án USAID LinkSME nhấn mạnh.
Song hành cùng NEPCON là Diễn đàn Công nghiệp điện tử Việt Nam 2021, nơi các chuyên gia, doanh nghiệp có thể trao đổi, thảo luận những vấn đề trọng yếu của ngành công nghiệp điện tử trong kỷ nguyên số hóa, làm thế nào để các doanh nghiệp công nghiệp điện tử và ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?...
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, cho biết: Ngành điện tử tiếp tục đóng vai trò tiên phong dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo với giá trị xuất khẩu 9 tháng năm 2021 đạt 77,57 tỷ USD chiếm tỷ trọng 32,24% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất siêu của ngành đạt 8,99 tỷ USD, góp phần đáng kể vào vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và việc cân đối ngoại tệ cho quốc gia năm 2021”.
“Mặc dù đại dịch COVID-19 đã kéo dài sang đến năm thứ 2, song với những nỗ lực của chính phủ Việt Nam, các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp cùng quyết tâm cao của các doanh nghiệp, chúng ta đã đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời tiếp tục gia tăng thêm đơn hàng, gia tăng thêm đầu từ FDI ở những lĩnh vực công nghệ cao, đóng vai trò then chốt của ngành điện tử như: Công nghệ bán dẫn, công nghệ màn hình OLED, công nghệ lắp ráp, công nghệ tự động hóa các dây chuyền sản xuất...”, bà Hương nhấn mạnh.