Theo Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế: Đây là số liệu tổng hợp của hơn 200 cơ sở tiêm chủng. Các địa phương và cơ sở y tế tiêm chủng đang xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số trước khi chuyển dữ liệu lên hệ thống để Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác nhận "hộ chiếu vaccine" cho người dân.
Từ ngày 15/4, Bộ Y tế tiến hành cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân. "Hộ chiếu vaccine" điện tử có ý nghĩa như hộ chiếu vaccine giấy, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại, giao thương quốc tế. "Hộ chiếu vaccine" sẽ được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp "hộ chiếu vaccine" mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm.
Đối với những người dân chưa được cấp "hộ chiếu vaccine" là do thiếu/sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật. Cụ thể, có thể liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật hoặc phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn. Ngoài ra, người dân có thể gọi điện đến tổng đài của Bộ Y tế theo số 19009095 để phản ánh hoặc tư vấn các vấn đề liên quan đến hộ chiếu vaccine.
Thời hạn của "Hộ chiếu vaccine" điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.
Trước đó, Bộ Y tế đã thí điểm thực hiện tại 3 bệnh viện là Bạch Mai, K và Bệnh viện E.
Để biết "Hộ chiếu vaccine" được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao. Đến nay, đã có 19 nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam.