GĐ điều hành Amazon Global Selling VN: 3 yếu tố giúp doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường toàn cầu

“Cần đọc vị được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng quốc tế; hãy đổi mới, đột phá sản phẩm; hãy xây dựng thương hiệu…” là 3 yếu tố quan trọng sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
GĐ điều hành Amazon Global Selling VN chỉ ra 3 yếu tố giúp DN gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam

Đó là nhận định của ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam khi trao đổi với Thương Gia về bức tranh toàn cảnh của thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.

Hàng tiêu dùng thuộc top ngành hàng bán chạy nhất

- Ông có thể đưa ra nhận xét về tốc độ phát triển cũng như bức tranh toàn cảnh của TMĐT tại Việt Nam. Từ đó, đánh giá về tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia sân chơi này?

Theo Báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu năm 2022: Nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua TMĐT tại Việt Nam", do công ty tư vấn Access Partnership thực hiện, ước tính trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua TMĐT của Việt Nam đạt khoảng 80 ngàn tỷ đồng. Cũng theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu thông qua TMĐT của Việt Nam có thể đạt đến gần 300 ngàn tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để đẩy nhanh tốc độ xuất khẩu thông qua TMĐT.

Điều này cho thấy tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Vấn đề là cần một tạo ra một sự hỗ trợ toàn diện, kịp thời và hiệu quả từ nhiều bên liên quan như các cơ quan chính phủ, nhà hoạch định chính sách, các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành, và cả Amazon Global Selling, để thúc đẩy và trang bị kiến thức, thông tin, kỹ năng, công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp; từ đó cùng nền kinh tế trong nước, xuất khẩu bán lẻ qua TMĐT có thể đạt được giá trị tiềm năng gần 296.3 nghìn tỷ đồng như nghiên cứu đã công bố.

Một báo cáo khác do Amazon thực hiện, 2022 là năm nhiều thách thức với những biến động trên toàn cầu, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia Amazon vẫn tăng trưởng lên đến 80% và tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua Amazon cũng tăng 45%. Số lượng doanh nghiệp tham gia lẫn giá trị xuất khẩu từ Việt Nam trên Amazon đều tăng đáng kể, cho thấy sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐT XBG) của Việt Nam trong những năm vừa qua và tiềm năng vẫn còn phía trước. Chúng tôi tin rằng, các nhà sản xuất truyền thống, hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp với các chủ thương hiệu trẻ đều có thể xem đây là một động lực mới và nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng này.

- Với tiềm năng như vậy thì hiện các mặt hàng nổi trội của doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon là những mặt hàng nào? Đâu là nhóm mặt hàng nào có mức độ tiêu thụ tốt, thưa ông?

Top 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon trong liên tiếp 2 năm vừa qua bao gồm các sản phẩm liên quan đến hàng tiêu dùng như: Nhà bếp, nhà cửa, may mặc, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân, tiện ích gia đình.  

GĐ điều hành Amazon Global Selling VN chỉ ra 3 yếu tố giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu

Trong đó, nhóm nhà cửa - nội thất và nhóm nhà bếp liên tiếp dẫn đầu trong 2 năm. Năm 2022 chứng kiến sự đa dạng hơn của các sản phẩm trong 2 nhóm ngành hàng này và sản phẩm không chỉ đơn thuần là trang trí nhà cửa mà còn là những sản phẩm tiện ích và nâng cấp không gian sống - với hai xu hướng chính: Sản phẩm làm từ gỗ và sản phẩm từ mây tre cói đan. Điều này cũng phản ánh thực tế Việt Nam hiện đang là nhà xuất khẩu về nội thất gỗ hàng đầu thế giới vào thị trường Mỹ. Các sản phẩm dụng cụ, tiện ích, trang trí nhà cửa làm từ gỗ nổi bật trên Amazon có thể kể đến như bàn ghế ngoài trời, các sản phẩm treo tường để trang trí nhà cửa hoặc không gian làm việc.

Cách để nông sản Việt Nam hoà vào dòng chảy hiện nay

- Với các sản phẩm nông sản tươi, kích thước nặng hay cồng kềnh thì có cần lưu ý điều gì, thưa ông?

Việt Nam là nước có thế mạnh nông sản. Trên Amazon, chúng tôi cũng ghi nhận sự có mặt của một số sản phẩm liên quan đến nông sản hoặc tiêu dùng có thể tận dụng tốt xu hướng kinh doanh này.

Đối với TMĐT XBG, hàng hóa sẽ phải đi một quãng đường dài, phải lưu kho chờ đến khi khách đặt hàng, doanh nghiệp phải tính toán đến chi phí lưu kho, thời gian hết hạn của sản phẩm. Do đó, các sản phẩm nông sản tươi, kích thước nặng hay cồng kềnh không có nhiều lợi thế ở mảng xuất khẩu bán lẻ B2C online.

Hiện nay, các sản phẩm nông sản chế biến hoặc sấy khô như các loại hạt, trái cây sấy khô, bánh tráng, snack làm từ gạo, hay rong nho sấy khô sẽ có lợi thế. Doanh nghiệp cần đảm bảo được các sản phẩm có thời hạn sử dụng dài, tránh việc phải hoàn lại về nơi xuất khẩu. Ngoài ra, cần cân nhắc đến khác biệt về nhiệt độ tại từng thị trường hay từng mùa làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Ví dụ như ở Mỹ, nhiệt độ các mùa cũng khác nhau, do đó các nhà bán hàng vì thế cũng phải chú ý đến tiêu chí này.

- Ngoài các điều trên thì các doanh nghiệp hàng tiêu dùng cần chú ý thêm điều gì để xuất khẩu thông qua TMĐT XBG thành công hơn, thưa ông?

Tôi quan sát thấy – nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản thường luôn gắn thông điệp “Made-in-Vietnam”. Chúng tôi hiểu sự tự hào về nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, đây chưa chắc đã là cách tiếp thị tối ưu với khách hàng quốc tế. Vì trên sân chơi này, người tiêu dùng hiểu rằng chất lượng là điều bắt buộc và thường ít khắt khe về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; họ tìm kiếm đặc tính nào đó của sản phẩm hoặc thương hiệu. Ví dụ, có những khách hàng chỉ quan tâm đến sản phẩm organic, hay sẽ chỉ tìm các sản phẩm có cách thức đóng gói thân thiện với môi trường. Đối với thị trường các nước phát triển, cần chú ý tiếp thị dựa vào thứ khách hàng tìm kiếm hơn là chỉ giới thiệu cái mình nghĩ là quan trọng.

GĐ điều hành Amazon Global Selling VN chỉ ra 3 yếu tố giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu

Thay vì nói về những thứ chúng ta có, là gạo Made-in-Vietnam, cà phê Made-in-Vietnam, trước đó, hãy nói với khách hàng về những gì họ đang tìm kiếm. Sau đó, câu chuyện nguồn gốc sản phẩm mới có thêm giá trị cho người tiêu dùng. Chúng ta hãy mở rộng hơn ngoài những câu chuyện truyền thống, hãy nói những câu chuyện mang tính toàn cầu hơn. Khách hàng đang cần cái gì, đang tìm kiếm điều gì - sản phẩm organic hay sản phẩm thân thiện môi trường, hay bất kỳ tính năng nào. Đây là cách để nông sản Việt Nam hoà vào dòng chảy hiện nay, từng bước toàn cầu hoá, một cách công bằng, sòng phẳng, để rộng mở các cơ hội cho nông sản Việt Nam và các sản phẩm tiêu dùng nói chung ở sân chơi TMĐT XBG.

3 yếu tố giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu

- Ông có thể đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc làm thế nào để tăng tính cạnh tranh khi tham gia sân chơi toàn cầu, thưa ông?

Theo tôi, có 3 khía cạnh để doanh nghiệp có thể gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Thứ nhất, hiểu khách hàng quốc tế: Các nhà sản xuất, chủ thương hiệu Việt Nam cần hiểu được khách hàng quốc tế, từ đó cung cấp những sản phẩm với tính năng, thiết kế mà họ cần, các dịch vụ mà khách hàng mong muốn. Một yếu tố đặc trưng, cũng là lợi thế của TMĐT XBG là khả năng đọc vị được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng quốc tế, thông qua tận dụng công nghệ số. Các công cụ số hóa từ TMĐT XBG cho phép doanh nghiệp hiểu được nhu cầu, hành vi, hoặc ngay lập tức đọc được đánh giá, phản hồi, góp ý của khách hàng trên gian hàng của mình, từ đó có cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và cách thức tiếp thị cho thương hiệu của mình.

Thứ hai đó là yếu tố đổi mới, đột phá sản phẩm: Thông thường, các nhà sản xuất chỉ có thể lắng nghe phản hồi từ thị trường thông qua các kênh trung gian như các nhà xuất khẩu hoặc các nhà bán sỉ... Quy trình thay đổi sản phẩm và đáp ứng số lượng hàng mới ra thị trường quốc tế có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm. Nhưng với TMĐT XBG, quá trình này có thể rút ngắn lại chỉ còn một vài tháng, mà không cần chờ báo cáo tổng kết lượt bán hàng trong 6 tháng đến 1 năm mới có thể thay đổi. Thông qua TMĐT XBG, thông qua công nghệ, doanh nghiệp có thể nắm bắt nhu cầu khách hàng nhanh hơn, từ đó đổi mới sản phẩm nhanh hơn.

Thứ ba là xây dựng thương hiệu: Ở sân chơi toàn cầu, chất lượng sản phẩm là một khía cạnh bắt buộc. Khi hiểu được khách hàng, khi đổi mới sản phẩm, và biết cách kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu, doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

- Xin cảm ơn ông!

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…