Hội thảo có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn; đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Hiệp hội kinh doanh bất động sản, các chuyên gia kinh tế...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, tháng 7 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Chỉ thị nêu rõ năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế trong nước dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của của tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chưa vững chắc của kinh tế thế giới như tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, chống tự do thương mại ở một số nơi, lạm phát tiếp tục tăng cao và trở thành vấn đề lớn tại nhiều quốc gia; dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn và chứa ẩn nhiều rủi ro; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.
Theo ông Văn, xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế.
Cụ thể, trong năm 2022, ngành xây dựng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng. Giá trị sản xuất ngành xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn GDP của đất nước. Luôn chiếm trên 6% thời điểm trước 2 năm Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn đóng vai trò chủ đạo trong việc tiếp tục tăng cường thể chế đạt nhiều kết quả tốt trong thời gian qua. Hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, luật, Nghị định và các thông tư... liên quan đến hoạt động xây dựng đã được ban hành góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng công trình, nền kinh tế...
Trong việc thực hiện quản lý nhà nước, công tác xây dựng cũng như tỷ lệ phủ kín quy hoạch đã tăng đáng kể; công tác hướng dẫn và sự nỗ lực phối hợp giữa các địa phương nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cũng đã được Bộ Xây dựng và các địa phương quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng quản lý ngành Xây dựng...
Tuy nhiên, ông Văn cũng lưu ý, lĩnh vực xây dựng còn một số vấn đề bất cập, như một số quy hoạch xây dựng còn thiếu tầm nhìn, triển khai chưa đồng bộ giữa các loại và cấp độ quy hoạch dẫn tới việc triển khai chương trình, dự án còn chậm; nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ dự án, công trình trọng điểm quốc gia có những thời điểm còn thiếu và chưa ổn định, thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, có dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.
Tại hội thảo, đại diện các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế cũng tập trung bàn luận các nội dung khác gồm: Chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ; Sự thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp; Thúc đẩy tiến độ xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình xây dựng trọng điểm... nhằm tạo động lực phát triển Kinh tế Việt Nam trong năm tới.