Cụ thể, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát trong phiên giao dịch ngày 3/4 tăng mạnh 1.400 đồng lên mức 31.950 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 4,5 triệu cổ phiếu. Như vậy, giá cổ phiếu HPG đã lên mức cao nhất (giá điều chỉnh) kể từ khi niêm yết trên sàn HOSE vào năm 2007 và vượt đỉnh hồi 28/09/2017 (31.130 đồng/CP).
Ngày 31/3/2017 vừa qua, HPG đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 50% - tương đương 10:5 (10 cổ phiếu cũ được nhận 5 cổ phiếu mới).
Từ đầu năm 2017 tới nay, HPG đã được khối ngoại mua ròng hơn 3,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng trên 151 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của HPG từ năm 2013 tới nay đều tăng trưởng khá mạnh, trong đó, 2016 là một cột mốc đáng nhớ với HPG. Cụ thể, kết thúc năm 2016, HPG đạt tổng doanh thu gần 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.600 tỷ đồng, tăng tương ứng 34% và 89% so với 2015. Đây là năm đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ ngày thành lập Tập đoàn.
Năm 2016, lần đầu tiên HPG vươn lên đứng đầu về thị phần tiêu thụ thép xây dựng tại Việt Nam với sản lượng 1,8 triệu tấn. Tiêu thụ gần 500.000 tấn ống thép các loại, HPG tiếp tục dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ, chiếm 26% thị phần của cả nước.
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ diễn ra đầu tháng 3/2017, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT của HPG cho biết quý I/2017, công ty lãi không dưới 1.800 tỷ đồng. Năm 2017, HPG đặt kế hoạch đạt 40.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế Tập đoàn dự kiến là 6.000 tỷ đồng.
HPG sẽ đầu tư xây dựng Khu liên hợp sản xuất Gang thép tại KCN phía Đông, Khu kinh tế Dung Quất, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi do CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 52.000 tỷ đồng, trong đó vốn cố định 40.000 tỷ đồng và vốn lưu động 12.000 tỷ đồng, được chia đều làm 02 giai đoạn với tổng quy mô dự kiến 4 triệu tấn các loại/năm.
Tỷ lệ vốn tự có trên vốn cố định là 50%. CTCP Thép Dung Quất Hòa Phát có vốn tự có 10.000 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng 10.000 tỷ đồng.