Gia cố "tấm khiên" cho an ninh thanh toán điện tử

Các biện pháp bảo vệ an ninh thanh toán điện tử giúp người dân kê cao gối ngủ và sẽ không có chuyện tiền của tự nhiên được chuyển đi mà không biết...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
99543A30-C80E-4DBC-A284-063369238FAA.jpeg

Sáng 21/8, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ tổ chức tọa đàm trực tuyến về "Đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số". Tại đây, các diễn giả đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm bảo vệ thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số.

ĐIỂM SÁNG CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG

Số liệu công bố tại toạ đàm cho thấy, nếu như trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi ngân hàng đã trở thành “ví” của người dân.

Giai đoạn 2020 – 2025 càng minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Nếu như trước năm 2016, khoảng 500 – 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng. Nhưng đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Đối với ngành ngân hàng, đây là sự chuyển đổi vượt bậc, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%.

Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng đã yêu cầu thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dân cư và nếu không có chuyển đổi số thì sẽ không thể tích hợp nhanh đến vậy. Cho đến nay, có khoảng 25 triệu tài khoản của khách hàng đã tích hợp dữ liệu dân cư sau khi Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước có thỏa thuận thống nhất về triển khai về tích hợp dữ liệu dân cư với tài khoản ngân hàng.

Có thể nói, để đạt được những kết quả tích cực như vậy, ngành ngân hàng đã rất nỗ lực trong công cuộc chuyển đổi số. Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng chiến lược 2021- 2025 nhằm triển khai kế hoạch Chính phủ số và ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành đi đầu với sự tham gia đầu tư của các ngân hàng thương mại với mức đầu tư 15.000 tỷ đồng cho công cuộc chuyển đổi số.

Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam rất hưởng ứng và đón nhận chuyển đổi số. Xu hướng này ở Việt Nam thậm chí phổ biến hơn các nước còn lại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một nghiên cứu của Mastercard vào năm 2022 chỉ ra rằng, 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Trong khi ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn thì tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 88%.

MẠNH TAY CHẶN GIAO DỊCH KHÔNG CHÍNH CHỦ

Từ góc độ đại diện cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng vụ Thanh toán cho biết, dù đang phát triển mạnh nhưng ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân chưa thực sự tốt, chưa cao, cho nên dẫn đến các hiện tượng như: cho thuê, cho mượn, mua bán tài khoản.

Một vụ việc điển hình vừa được Công an tỉnh Cao Bằng khởi tố cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng, số lượng tiền trôi qua tài khoản gian lận này là gần 1.000 tỷ đồng.

"Đây là con số rất đau xót. Đây là những thiệt hại mà người dân đã mất. Bây giờ phải làm sao? Như vậy có nghĩa là, nếu như chúng ta chốt được chính chủ thực hiện thì khả năng gian lận sẽ giảm bớt", ông Phạm Anh Tuấn nêu quan điểm.

Cũng theo vị đại diện Ngân hàng Nhà nước, kẻ gian ít khi xuất hiện các thông tin của mình là chính chủ. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã trình Thống đốc và được đồng ý sẽ sửa Quyết định 630/QĐ-NHNN về kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, đây là một quyết định rất căn cơ, sẽ quyết định hạn mức nào sẽ yêu cầu xác thực bằng yếu tố sinh trắc học để xác định chính chủ.

Có nghĩa, người mở tài khoản và người thực hiện giao dịch đó phải là một. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho một số tổ chức tín dụng nhưng vì lợi ích chung, lợi ích của cả cộng đồng và cả xã hội, bảo vệ an toàn tiền gửi của người dân thì việc này bắt buộc phải làm.

"Mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng là không lớn nhưng đổi lại chúng ta được gì? Đó là: người dân kê cao gối ngủ, sẽ không có chuyện tiền của tôi tự nhiên được chuyển đi mà tôi không biết", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Thêm vào đó, ông Phạm Anh Tuấn cho hay, với các giá trị giao dịch lớn, kẻ gian sẽ mất thời gian để chuyển tiền khỏi tài khoản của khách hàng và “chỉ có thể vào mà không thể ra” do phần lớn các tài khoản nhận tiền là không chính chủ. Như vậy, ngân hàng vẫn có cơ hội giữ lại tài sản mà kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt để có cơ hội hoàn trả cho người dùng bị kẻ gian lợi dụng.

Đây là một trong những biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai quyết liệt trong tháng 8 và tháng 9/2023. Tuy nhiên sẽ có khoảng thời gian chuyển tiếp để các tổ chức tín dụng chuẩn bị các cơ sở hạ tầng, điều kiện chỉnh sửa ứng dụng, thu thập dữ liệu… để chuẩn bị trước khi quyết định chính thức có hiệu lực.

HOÀN THIỆN KHUNG KHỔ PHÁP LÝ TỪ 1/1/2024

Từ góc độ ngân hàng thương mại, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin, Ngân hàng Techcombank kiến nghị, các tổ chức tín dụng đều mong rằng các dịch vụ đều sử dụng trực tuyến và không thanh toán bằng tiền mặt trong tương lai. Để đảm bảo được điều đó, biện pháp sử dụng dữ liệu quốc gia để chứng thực chủ tài khoản thực hiện giao dịch là một tiến triển mới.

Bởi hiện nay, vấn đề chính của các giao dịch trực tuyến là lừa đảo. Khi lừa đảo xảy ra mà không ngăn chặn và đưa ra giải pháp kịp thời, thì độ tin cậy trong các giao dịch và niềm tin của người dân vào thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt sẽ suy giảm.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng nên chủ động cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo bằng các hình thức dán thông báo ở các trụ sở, các chi nhánh, phòng giao dịch… để mọi người dân được biết và tránh được những rủi ro mất thông tin, mất tiền.

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng, quan trọng hơn cả là Ngân hàng Nhà nước phải tạo cơ chế, chính sách đầy đủ nhằm đảm bảo an toàn nhất cho các giao dịch của khách hàng.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, trong đó có một phần nào đó liên quan đến cho vay trên môi trường điện tử. Tiếp đến, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chuẩn bị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó có đặt vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong việc lưu trữ hồ sơ cho đến các hoạt động cho vay…

Tuy nhiên, ông Hùng lưu ý, hiện nay muốn làm được việc đó cần phải có một bước nữa, có nghĩa, Chính phủ cần sớm công bố Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

"Tôi rất kỳ vọng, thời gian tới Chính phủ sẽ sớm ban hành được Nghị định thay thế Nghị định 101 này. Tôi cũng thấy tội cho ngành ngân hàng, trong bối cảnh như vậy vẫn phải loay hoay, vẫn cố gắng làm sao làm được tốt", ông Hùng kiến nghị.

Phản hồi về kiến nghị trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, ngày 8/8 vừa qua, thường trực Chính phủ đã họp để xem xét, về cơ bản là thống nhất với đề xuất trong dự thảo Nghị định 101 sửa đổi và đã có thông báo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo kết luận của Thường trực Chính phủ trong phiên họp đó để trình Chính phủ trước ngày 18/8.

Ngoài ra, với Nghị định về Sandbox cũng đã trình Chính phủ khoảng 2 năm nay. Vừa rồi Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 8/2023. Chúng tôi cũng sẽ phấn đấu trình Chính phủ trước ngày 20/8.

"Nếu như trong quý 3/2023 này, 2 Nghị định này được Chính phủ ký ban hành, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành 7 thông tư hướng dẫn liên quan. Trong thời gian tới, sau khi Nghị định được ký thì Thông tư cũng sẽ được đăng báo để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và các bộ, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024", đại diện Ngân hàng Nhà nước đặt kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm