Tại buổi họp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, năm 2022 tính riêng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ vào khoản thu nhập từ hoạt động tài chính và tiền bán công suất phản kháng thì mức lỗ giảm xuống còn 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Phân trần về mức lỗ trên, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, khoản lỗ năm 2022 chủ yếu là chi phí mua điện đầu vào giá cao. Cụ thể, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, khí, dầu tăng rất cao so với năm 2020. Đặc biệt là than, giá tăng gấp 3 lần, có thời điểm tăng 4 - 5 lần. Giá dầu tăng gấp đôi, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến đầu vào mua điện tăng cao. Ở thời điểm hiện tại mỗi kWh điện bán ra, tập đoàn bị lỗ 197 đồng, tương ứng mức lỗ 10,57%.
"Các yếu tố đầu vào, đặc biệt là nhiệt điện than giá cao gấp nhiều lần dẫn tới khoản lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, bản thân EVN phải nỗ lực rất lớn, để cuối cùng lỗ hơn 26.235 tỷ đồng", ông Nam nói.
Thậm chí, nếu việc phải kinh doanh dưới vốn vẫn tiếp diễn và với sản lượng điện thương phẩm năm 2023 dự kiến là 251,3 tỷ kWh, vị lãnh đạo EVN cho biết mức lỗ tổng cộng ước tính sẽ lên hơn 64.000 tỷ đồng. Trong đó, lỗ dự kiến do tỷ giá 3.800 tỷ đồng. Thực tế, chỉ trong 2 tháng đầu năm, đơn vị bị lỗ thêm 11.200 tỷ đồng khiến áp lực tài chính của EVN ngày càng tăng.
Hiện tại, EVN đã có đề xuất, trình Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền, Chính phủ nhằm điều chỉnh giá điện. Bản thân EVN cũng đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, thực hiện cắt giảm các khoản chi tiêu. Ngoài ra còn tối ưu hệ thống vận hành.
Mặc dù thực tế là vậy, nhưng ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, vẫn bỏ ngỏ khả năng tăng giá điện.
Đồng thời, vị này dẫn Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Ông Hòa cho hay, giá điện được điều chỉnh khi thông số đầu vào biến động từ mức 3% trở lên so với mức bình quân hiện hành. Ngược lại, trường hợp khi thông số đầu vào biến động làm cho giá bán điện bình quân giảm so với mức hiện hành thì giá điện cũng được điều chỉnh giảm.
EVN được quyết định điều chỉnh giá nếu giá bán điện bình quân tăng 3-5% so với mức giá hiện hành. Nếu mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến.
"Vừa qua, EVN đã xây dựng các phương án điều chỉnh giá điện và báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ đã rà soát các phương án của EVN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định", ông Hoà nhấn mạnh.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, với mức tối thiểu (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung cũ, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh (tương đương tăng 13,7%); giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh (tương đương tăng 28,2%).
Đoàn kiểm tra kết quả chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN, bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp, gồm: Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện; Tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, phụ trợ và quản lý ngành.