Giá thực phẩm tại các chợ dân sinh dự báo tăng nhẹ sau bão

Sáng 8/9, tại một số chợ dân sinh, nguồn cung thực phẩm cơ bản vẫn được đảm bảo, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ có xu hướng tăng nhẹ…

Tình hình cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm sau bão được đảm bảo
Tình hình cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm sau bão được đảm bảo

Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã có báo nhanh về tình hình thị trường hàng hoá vào sáng 8/9, thời điểm ngay khi cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đã suy yếu sau thời gian đổ bộ vào một số tỉnh, thành phố miền Bắc.

Qua trao đổi với đại diện Sở Công Thương các địa phương về công tác tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa và công tác chỉ đạo trên địa bàn đến thời điểm 9h ngày 8/9, Vụ Thị trường trong nước dự báo, thời điểm sau bão, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường sẽ trở lại bình thường, giá cả tại các chợ dân sinh sẽ tăng nhẹ; các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm và mặt hàng thiết yếu.

Vào sáng 8/9, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa đã tiếp tục hoạt động phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số chợ dân sinh khu vực Cầu Giấy, Hà Nội vào sáng 8/9, nhu cầu mua bán thực phẩm tươi sống của người dân vẫn khá cao mặc dù trước đó nhiều người đã có tâm lý mua hàng tích trữ. Giá rau củ được nhận định là cao hơn so với ngày thường. Cụ thể: Giá thịt ba chỉ dao động từ 150 nghìn đồng – 170 nghìn đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm trước bão. Tại chợ dân sinh, các tiểu thương chủ yếu chỉ bày bán một số loại rau củ như cà rốt, bí xanh, củ cải, bông cải, rau cải xanh… Các loại rau lá như rau muống, rau dền, xà lách khan hiếm.

Tại siêu thị, thực phẩm tươi và hàng thiết yếu cơ bản đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả một số mặt hàng cũng ổn định do nguồn cung được đảm bảo. Ghi nhận tại siêu thị Winmart Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội), các loại rau được bày bán trên kệ với giá thành dao động từ 12 nghìn - 20 nghìn đồng/500gr. Các quầy bày bán mặt hàng thịt và hải sản cũng được lấp đầy, giá sản phẩm niêm yết rõ ràng.

Theo thông tin từ Sở Công Thương thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh sáng 8/9, cơ bản các điểm bán, chợ, siêu thị, cây xăng đã mở cửa hoạt động bình thường phục vụ nhân dân. Còn một số các điểm bán hàng bị ảnh hưởng bởi tuyến đường ngập lụt và hoặc có hư hỏng về cơ sở vật chất sẽ hoạt động lại ngay sau khi được khắc phục.

Hiện nay, cơ bản các cửa hàng xăng dầu đều đang bán hàng bình thường. Một số cửa hàng đang tạm dừng bán hàng do: mất điện lưới, đang chờ cơ quan điện lực xử lý, đang liên hệ cơ quan chức năng để xử lý sự cố đứt đường dây điện, dọn dẹp cây đổ, khắc phục hư hại tốc mái cột bơm, gãy mái hiên tại cửa hàng. Một số cửa hàng chỉ thanh toán được bằng tiền mặt do mất tín hiệu viễn thông. Các cửa hàng đã chuẩn bị đầy đủ hàng hoá, sẵn sàng để phục vụ nhân dân sau bão.

Đối với các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 như Nam Định, Cao Bằng, Tuyên Quang... tình hình cung ứng, lưu thông hàng hóa đã cơ bản được đảm bảo, các cửa hàng vẫn hoạt động bình thường.

Trước đó, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất đúng, trúng, kịp thời, quyết liệt; cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc, chỉ đạo tổ chức phòng chống tốt cơn bão số 3, vì vậy, đã giảm thiểu tình trạng chủ quan, lơ là của người dân.

Ngay sau khi cơn bão suy yếu, Bộ chỉ đạo các Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân.

Về vấn đề cung ứng điện, Bộ trưởng báo cáo nhanh tình hình thiệt hại và giải pháp về khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, về hệ thống điện, lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối và 10 nhà máy điện ở khu vực Đông Bắc phải dừng hoàn toàn hoặc dừng một số tổ máy trước khi bão đổ bộ để đảm bảo an toàn, ước tính gần 1 triệu khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng. Đến 6h ngày 8/9, phụ tải không cung cấp được miền Bắc là 63%, nặng nhất là Hải Dương 98%, Quảng Ninh đến 99%) và trên diện rộng ở nhiều tỉnh, đặc biệt Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Phú Thọ phải chủ động ngắt điện để bảo đảm an toàn hệ thống điện.

Lý do chính là đường dây và trạm biến áp đang bị sự cố, nhất là lưới điện cơ sở không đủ năng lực khắc phục ngay. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung cao độ, ứng trực để kịp thời xử lý nhiều sự cố và khẩn trương khắc phục sau khi bão tan.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng thế giới giảm mạnh nhất 2 tháng

Giá vàng thế giới giảm mạnh nhất 2 tháng

Giá vàng thế giới lao dốc trong phiên xuống sát vùng 2.600 USD/ounce. Vàng nhẫn trong nước cũng giảm theo, trong khi vàng miếng SJC ổn định ở mốc 83 - 85 triệu đồng/lượng…

Doanh nghiệp đồng hành cùng Gala Doanh nhân Thăng Long 2024

VNPTEVNHanelDaewooDu lịch Hà NộiEurowindowGeleximcoHandicoHà Nội groupHaproMay 10May Hồ GươmQuân Đức Thảo dượcROXSâm Ngọc LinhThi SơnThuỷ TạUDICViệt Mỹ