Giá trị doanh nghiệp bị “bóp méo”, Nhà nước “suýt” mất nghìn tỷ đồng

Kết quả kiểm toán tại 8 doanh nghiệp Nhà nước cho thấy những khoản “vênh” tới hàng nghìn tỷ đồng trong xác định giá trị doanh nghiệp.
Giá trị doanh nghiệp bị “bóp méo”, Nhà nước “suýt” mất nghìn tỷ đồng

Nhà nước “suýt” mất 8.000 tỷ tại 8 doanh nghiệp

Tại hội thảo: “Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra sáng 21/8, ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 6 cho biết, qua kiểm toán 8 doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2016, cơ quan chức năng đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn Nhà nước hơn 8.000 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh nghiệp được đề cập đến là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo báo cáo là hơn 40.342 tỷ đồng, tuy nhiên sau kiểm toán, con số này lên tới hơn 44.900 tỷ đồng, chênh hơn 4.000 tỷ đồng.

Tiếp đến, Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng có con số báo cáo giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 31.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số trên sau kiểm toán lại lên tới hơn 33.500 tỷ đồng, chênh lệch trên 2.000 tỷ đồng.

6 doanh nghiệp còn lại như Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam chênh 512 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su Việt Nam chênh 440 tỷ đồng, Công ty mẹ - Tổng công ty Xuất nhập khẩu Thanh Lễ chênh lệch 72 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thực tế có tình trạng nêu trên là do kê khai sót tài sản hoặc phân loại tài sản để xử lý chưa đầy đủ. Một số đơn vị theo ông không xử lý các khoản tài chính như doanh thu, thu nhập khác, nợ phải thu, nợ phải trả, nợ không phải trả…

“Các doanh nghiệp có xu hướng muốn để lại và hạch toán vào thu nhập sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp nhưng cơ quan thanh kiểm tra và tổ chức tư vấn định giá không phát hiện ra” ông Tuấn nói.

Báo cáo của ông Tuấn chỉ ra ví dụ về một số khoản chưa đưa vào tính toán như nợ phải trả nhưng chủ nợ từ chối và nợ không phải trả của Công ty mẹ - Vinafood 2, Công ty mẹ PV Power hay nợ phải thu của Công ty mẹ - Tập đoàn Cao su Việt Nam…

Bổ sung thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quanh Thành, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, có tình trạng không tính toán tài sản của các ban quản lý dự án chuyển giao giữa các giai đoạn, những giá trị này có thể không lớn nhưng ông nhấn mạnh, đó là dấu hiệu buông lỏng trong quản lý của các đơn vị.

Kê khai thiếu giá trị lợi thế doanh nghiệp

Cũng tại cuộc hội thảo, nguyên nhân khác được đại diện Kiểm toán Nhà nước nêu ra là tình trạng kê khai thiếu giá trị lợi thế kinh doanh. Các loại chi phí liên quan tới hạng mục này như chi phí tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại.

Thậm chí, có đơn vị còn áp dụng văn bản chưa có hiệu lực thi hành để tính toán, xác định giá trị doanh nghiệp. Cụ thể, đó là thực tế đã xảy ra tại Vinafood 2, nghị định 116/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/11/2015 nhưng tổ chức tư vấn đã áp dụng tại thời điểm 30/3/2015 trong xác định các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Vinafood 2.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam thừa nhận, vẫn có công ty thẩm định giá chạy theo lợi ích, bóp méo giá trị thẩm định giá. “Không ít chuyên gia có lợi ích cá nhân, không vượt qua được những hấp dẫn, làm sai lệch kết quả vì lý do này, lý do khác”, ông Tuấn nêu thực trạng.

Từ đó, ông Tuấn cảnh báo, cơ quan chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nên chọn các doanh nghiệp thẩm định giá thực sự có trình độ, chuyên sâu, chất lượng và uy tín để giao nhiệm vụ.

Ông cũng cho rằng, nên có cơ chế khuyến khích việc sử dụng kết hợp nhiều phương pháp xác định giá khác nhau để xác định giá trị doanh nghiệp. “Cần thiết quy định khi xác định giá trị doanh nghiệp phải áp dụng ít nhất 2 phương pháp, một phương pháp chính và một phương pháp có tính chất kiểm tra, đối chiếu,” vị đại diện Hội thẩm định giá Việt Nam cho hay.

Theo Bizlive.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...