Giá vàng giảm nhẹ trong phiên với vàng giao ngay giao dịch ở mức 2.328 USD/ounce, thấp hơn 3 USD so với mức đóng cửa trước đó. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 71,5 đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Giá vàng tương lai tháng 8 được giao dịch lần cuối ở mức 2.331 USD/ounce, giảm khoảng 11 USD trong phiên.
Các nhà giao dịch kim loại quý đang theo dõi sát sao hàng loạt sự kiện kinh tế và chính trị quan trọng trong tuần này để tìm định hướng cho giá cả.
Báo cáo khảo sát (JOLTS) cho thấy số lượng việc làm sẵn có ở Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 5, báo hiệu khả năng phục hồi của thị trường lao động. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, cơ hội việc làm cũng tăng cao lên 8,14 triệu trong tháng 5, từ mức 7,91 triệu đã được điều chỉnh giảm trong tháng 4.
Ngoài ra, trong cuộc họp quốc tế với Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ông hài lòng với xu hướng giảm dần lạm phát ở Mỹ nhưng từ chối xác nhận bất kỳ động thái nới lỏng chính sách.
“Trước khi cắt giảm lãi suất, chúng tôi muốn chắc chắn rằng lạm phát đang hạ nhiệt một cách bền vững”.
Thị trường hiện đang chờ đón biên bản FOMC vào chiều 3/7 và báo cáo việc làm hàng tháng vào 5/7. Thị trường Mỹ sẽ đóng cửa vào Thứ Năm (4/7) để nghỉ lễ Quốc Khánh.
Trong một báo cáo được đưa ra bởi các nhà phân tích kim loại quý tại Heraeus, viễn cảnh chính trị tại Mỹ vào tháng 11 có thể khiến các nhà đầu tư trên toàn thế giới đổ xô vào kim loại quý. Cả giá vàng và bạc sẽ đều hưởng lợi từ thuế quan và tranh chấp thương mại.
Hơn nữa, Heraeus cho rằng nếu ông Donald Trump tái đắc cử, thì các chính sách kinh tế của Mỹ sẽ tạo ra một môi trường trong đó vàng được hỗ trợ tốt. Các nhà phân tích lưu ý, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 2018-2020 khi ông Donald Trump đương nhiệm tổng thống Mỹ trùng hợp với thời điểm giá vàng hoạt động tích cực.
“Vàng tăng giá mạnh trong giai đoạn này do các cuộc đàm phán kéo dài, cùng với leo thang thuế quan và địa chính trị, đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến kim loại quý như một tài sản trú ẩn an toàn, bất chấp môi trường lãi suất tăng cho đến giữa năm 2019. Sự tăng giá của vàng có mối tương quan chặt chẽ với việc tăng thuế quan, vốn là một chỉ báo đối với mức độ căng thẳng Mỹ-Trung”, các nhà phân tích tại Heraeus nhận định.
Trong sáng nay, giá vàng trong nước tiếp tục yên lắng. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.
DOJI tại Hà Nội đang niêm yết giá vàng miếng ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng thương hiệu này tại TP.HCM đang mua vào và bán ra ở mức tương tự như Hà Nội.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện vào khoảng 3,4 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá trung tâm USD/VND hôm nay 3/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố mức 24.258 VND, tăng 5 VND so với phiên giao dịch ngày 2/7.
Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại dao động trong khoảng 23.046 - 25.471 VND/USD.
Tại Vietcombank, giá USD có mức mua vào là 25.220 VND và mức bán ra là 25.470 VND, tăng 5 VND ở cả hai chiều so với phiên giao dịch trước. Eximbank có giá mua vào là 25.230 VND và bán ra 25.470 VND.
Trên thị trường tự do, giá USD sáng 3/7 được giao dịch ở mức mua vào 25.830 VND và bán ra ở mức 25.910 VND.