Theo đó, bình quân 9 tháng năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,52%, thấp thấp nhất 3 năm gần đây.
Nguyên nhân tăng CPI do một số mặt hàng tăng giá theo quy luật như giá một số nhóm hàng tiêu dùng trong dịp nghỉ hè. Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn giảm, giá thịt lợn tăng.
Ngoài ra giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo mức tăng thêm của lương cơ bản và giá một số vật liệu xây dựng tăng và giá nhân công tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), quý III, CPI so với tháng trước đều tăng, tháng 7 tăng 0,18%, tháng 8 tăng 0,28%, tháng 9 ước tăng từ 0,4 – 0,6%.
Ông Tuấn cho biết, theo nhận định của ban chỉ đạo điều hành giá, CPI quý III tiếp tục tăng thấp hơn dự báo, để CPI bình quân cả năm tăng lên mức 4% là giới hạn mục tiêu cho phép.
Tuy vậy, theo nhận định của nhóm giúp việc ban chỉ đạo điều hành giá, giá thịt lợn có khả năng sẽ tăng thêm 10% trong quý IV, giá xăng dầu và giá gas có thể tăng thêm 10 - 15%.
Việc điều chỉnh giá điện bình quân trong tháng 3 tiếp tục tác động các tháng còn lại khoảng + 0,1%. Các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế không bảo hiểm theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng trong các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, rủi ro, thiên tai bão lũ tác động tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại các địa phương bị ảnh hưởng, điều chỉnh phí quản lý trong dịch vụ khám chữa bệnh vào tháng 12.