Theo dữ liệu cập nhật từ Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở kỳ điều hành lần này có xu hướng tăng so với kỳ điều chỉnh giá trước đó (ngày 1/11).
Theo đó, từ 2-8/11, bình quân giá xăng RON 92 tại Singapore là 97,33 USD/thùng (chu kỳ trước là 90,93 USD/thùng), còn bình quân giá xăng RON 95 là 102,93 USD/thùng (kỳ điều hành trước là 95,62 USD/thùng). Như vậy, bình quân giá xăng RON 92 và RON 95 ở chu kỳ này đều tăng hơn 7 USD/thùng so với kỳ trước.
Tương tự, bình quân giá các loại dầu trên thị trường Singapore ở chu kỳ này cũng cao hơn kỳ trước. Tính từ ngày 2-8/11, bình quân dầu diesel có giá 134,5 USD/thùng, dầu hỏa giá 124,1 USD/thùng, dầu mazut là 434 USD/tấn.
Trong khi đó, giá xăng dầu trên thị trường thế giới có xu hướng nhích lên sau khi giảm nhẹ trước thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ tăng và lo ngại nhu cầu giảm do số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc tăng.
Giá xăng dầu tăng do xu hướng của thế giới
Theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 12h23' ngày 10/11 (giờ Việt Nam), dầu thô WTI có giá 85,83 USD/thùng, bằng mức giá của phiên trước đó. Còn dầu thô Brent giao dịch ở mức giá 92,69 USD/thùng, tăng 0,04% so với phiên trước.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, do giá xăng thế giới có xu hướng tăng nên tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày mai (11/11), giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tăng theo.
Theo dự báo, giá xăng trong nước vào ngày mai có thể tăng từ 800-1.100 đồng/lít. Còn giá dầu có khả năng tăng từ 40-340 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, đây là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp của giá xăng trong nước. Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước được điều chỉnh 29 lần, trong đó có 15 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Tại kỳ điều chỉnh ngày 1/11, giá xăng E5 được điều chỉnh tăng 380 đồng/lít, lên 21.870 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 410 đồng/lít, lên 22.750 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 290 đồng/lít, lên 25.070 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán là 23.780 đồng/lít.
Hiện Việt Nam chỉ nhập 20% xăng dầu thành phẩm, trong nước đã sản xuất được 80%. Song tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn diễn ra tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên được các chuyên gia chỉ ra là do cơ chế tính chi phí xăng dầu hiện đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế.
Các doanh nghiệp xăng dầu phản ánh, trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu, mức phụ phí vận chuyển từ nước ngoài về cảng cố định 2,5 USD/thùng. Trên thực tế, chi phí này đã tăng gấp 2-3 lần, ở mức 5-8 USD/thùng.
Hơn nữa, trong công thức giá cơ sở chưa có khoản chi phí vận chuyển từ nhà máy lọc dầu trong nước về tới kho của doanh nghiệp đầu mối.
Thêm vào đó, giá nhập về hiện cao hơn giá bán ra tại thị trường trong nước nên các doanh nghiệp đầu mối đang phải chịu lỗ.
Mới đây, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu.
Cụ thể, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu (đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu): xăng nền để phối trộn xăng E5 là 640 đồng/lít; xăng RON 95 là 1.280 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 730 đồng/lít; dầu hỏa là 1.740 đồng/lít; dầu mazut 180cst 3,5S là 1.290 đồng/kg.
Thời gian thực hiện được Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11.