Giao dịch chứng khoán bất hợp pháp: Thế giới phạt nặng, Việt Nam xứ lý rất nhẹ!

Trong khi một số nước trên thế giới xử phạt rất nặng thậm chí phạt tù những vụ việc liên quan đến việc giao dịch chứng khoán bất hợp pháp thì ở Việt Nam lại xử phạt rất nhẹ.

Thế giới: Phạt cả tù lẫn tiền!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các quy định về giao dịch chứng khoán liên quan đến người nội bộ ở các quốc gia rất khác nhau. Theo đó, các giao dịch chứng khoán của người nắm được thông tin nội bộ công ty mà các nhà đầu tư khác không biết và được hưởng lợi từ giao dịch này gọi là giao dịch nội gián. Những người nội bộ này là những người nắm được thông tin không công khai của công ty hoặc sở hữu hơn 10% cổ phần của công ty và thường giữ các chức vụ quan trọng như giám đốc, giám đốc điều hành cấp cao trong doanh nghiệp.

Tại Mỹ, Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) quy định, người trong nội bộ công ty được phép mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp mình hay bất kỳ công ty con nào, nhưng phải đăng ký hợp lệ với SEC và công bố thông tin trước khi diễn ra giao dịch. Nếu thực hiện như vậy, đây được gọi là giao dịch nội gián hợp pháp và giao dịch kiểu này vẫn xảy ra thường xuyên. Theo quy định của SEC, nếu ai đó bị bắt vì hành vi giao dịch nội gián bất hợp pháp đều có thể bị đi tù, bị phạt tiền hoặc cả hai. Một người bị kết tội là giao dịch nội gián có thể bị phạt tối đa là 5 triệu USD hoặc lên đến 20 năm tù.

Tại Ấn Độ, Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Ấn Độ (SEBI), giao dịch nội gián có thể bị phạt 250 tỷ rupee hoặc phạt gấp 3 lần lợi nhuận thu được từ các giao dịch, tùy thuộc vào mức nào cao hơn.

Trong khi đó ở Hồng Kông, giao dịch nội gián là một tội hình sự và cũng được cấu thành tội dân sự như một dạng hành vi sai trái của thị trường. Người bị kết tội giao dịch nội gián có thể đối mặt với mức phạt tối đa 10 triệu HKD hoặc phạt tù 10 năm. Đầu năm 2021, Ủy ban chứng khoán và hợp đồng tương lai Hồng Kông (SFC) cho biết, ông Chow Chiu Chi, thư ký của công ty China Automation, một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông, đã bị kết án 45 ngày tù giam và phải nộp 45.000 HKD và hơn 37.000 HKD phí điều tra vì vi phạm giao dịch nội gián cổ phiếu China Automation.

Còn tại Singapore, hành vi vi phạm giao dịch nội gián cũng được cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) phạt nặng. Theo Luật Chứng khoán và các hoạt động phái sinh (SFA), người vi phạm có thể bị phạt số tiền gấp 3 lợi nhuận. Nếu người vi phạm không kiếm được lợi nhuận hoặc bị tổn thất từ hoạt động giao dịch trên có thể bị phạt tiền từ 50.000 đô la Singapore đến 2 triệu đô la Singapore. Ngoài ra, SFA cũng có các hình phạt hình sự đối với hành vi giao dịch nội gián. Theo đó, một cá nhân cũng có thể bị phạt tới 250.000 đô la Singapore hoặc bị phạt tù đến 7 năm hoặc cả hai.

Một số nước trên thế giới xử phạt rất nặng với những hành vì giao dịch chứng khoán bất hợp pháp
Một số nước trên thế giới xử phạt rất nặng với những hành vì giao dịch chứng khoán bất hợp pháp

Việt Nam: Vì sao ít xử lý hình sự?

Theo quy định tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân mua bán "chui" cổ phiếu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định 128/2021 có hiệu lực từ 1-1-2022 quy định nếu giá trị giao dịch "chui" theo mệnh giá cổ phiếu (10.000 đồng/cổ phiếu) từ 50 triệu đến dưới 10 tỉ đồng thì bị phạt 5-250 triệu đồng. Trường hợp giá trị giao dịch theo mệnh giá từ 10 tỉ đồng trở lên sẽ bị phạt 3-5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế.

Theo phân tích của báo Tuổi trẻ, đối với trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết, vào ngày 10-1 đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC, giả sử khớp với giá sàn 21.150 đồng/cổ phiếu (chưa kể trong phiên này có hơn 8.400 cổ phiếu được bán với giá trần 24.100 đồng), vị đại gia có thể thu về khoảng 1.580 tỉ đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt chỉ tính theo mệnh giá cổ phiếu, tương đương 748 tỉ đồng cho 74,8 triệu cổ phiếu FLC bán. Áp khung 3-5%, ông Quyết chỉ bị phạt 22,4-37,4 tỉ đồng. Nếu thêm mức xử phạt tối đa đối với hành vi mua bán "chui" là 3 tỉ đồng với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân, tổng "thiệt hại" mà ông Quyết có thể phải nhận quá chênh lệch so với cả ngàn tỉ đồng thu về.

Đó là quy định về xử phạt hành chính, còn về xử lý hình sự theo tìm hiểu của chúng tôi hiện nay, pháp luật về Chứng khoán của Việt Nam đã hoàn thiện đáng kể so với trước đây. Đặc biệt các quy đinh pháp luật đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực chức khoán. Cụ thể, Điều 12, Luật Chứng khoán 2019, đã quy định rõ ràng các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Song song đó Bộ luật Hình sự cũng đã có quy định đối với tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. So với Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, Bộ luật Hình sự 2015 đã cụ thể hoá căn cứ xác định tội phạm. Theo đó, đối với hành vi có dấu hiệu của tội thao túng thị trường chứng khoán, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy rõ, nhưng thực tế việc xử lý hình sự đối với các hành vi trong lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt là đối với hành vi thao túng chứng khoán lại rất ít trong khi nạn thao túng thị trường chứng khoán đang ngày càng trở nên báo động và liên tục các trường hợp vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện.

Về điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, với quy định hiện hành, việc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên cho các lỗi trong lĩnh vực chứng khoán (không chỉ là thao túng) cũng sẽ bị xử lý hình sự. Đây là con số không quá lớn trong quy mô giao dịch hiện nay, nhưng để xử lý hình sự lại không dễ.

Tội “thao túng thị trường chứng khoán” theo quy định tại Điều 211, Bộ luật Hình sự 2015 là tội có cấu thành tội phạm vật chất. Theo đó, các dấu hiệu bắt buộc của tội phạm là hành vi khách quan và hậu quả thiệt hại do hành vi gây ra. Song, để chứng minh được tội phạm, bắt buộc phải chứng minh được hành vi khách quan đồng thời chứng minh được hậu quả của hành vi đó. Thực tế thời gian qua cho thấy, để phát hiện và chứng minh hành vi thao túng giá trong lĩnh vực chứng khoán thường kéo dài và rất khó khăn. Báo cáo định kỳ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, số liệu các mã chứng khoán có nghi vấn giao dịch bất thường hàng năm khá nhiều, nhưng số lượng trường hợp chứng minh có lỗi lại rất thấp, do không đủ căn cứ…

Tiếp đó là cách tính giá trị khoản thu nhập bất chính, hoặc chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư cũng rất khó bởi vẫn vướng quy định pháp luật. Cụ thể, việc đưa ra công thức tính về khoản thu nhập bất chính được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra tại Quyết định số 201/QĐ-UBCK ngày 3/3/2014 quy định về phương pháp tính số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán, hoặc hành vi giao dịch nội bộ.

Tuy nhiên, quyết định này theo Thông tư số 217/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hiện đã hết hiệu lực. Thêm vào đó, bản thân Quyết định 201 có được coi là căn cứ pháp lý để tính mức thu lợi trong xử lý hình sự hay không vẫn là điều chưa rõ ràng.

Và nếu không chứng minh cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán đã thu lợi bất chính để truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xác định được nhà đầu tư nào đó bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hầu như không thể xác định những nhà đầu tư nào bị thiệt hại do hành vi thao túng giá chứng khoán.

Do đó, để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững và minh bạch cần phải có sự quyết tâm cao, xử lý nghiêm minh, triệt để của các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm để khắc phục, xử lý nghiêm hành vi bao che, bỏ lọt tội phạm!

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...