Góc nhìn: Giới siêu giàu đối phó với đại dịch Covid-19 như thế nào?

Theo quan sát của tác giả Vicky Ward, mặc dù những người giàu có không miễn dịch với dịch bệnh - nhưng sự sung túc và tiền bạc giúp họ bảo vệ bản thân họ - một cách dễ dàng hơn.
Góc nhìn: Giới siêu giàu đối phó với đại dịch Covid-19 như thế nào?

"Tôi đã dành hai thập kỷ để tìm hiểu và làm tin về “nhóm 1%” - những con người nắm trong tay không chỉ tiền bạc mà còn quyền lực và đẳng cấp. Tôi cũng đã viết sách về sự tham nhũng trong nhóm 1% giàu có bậc nhất Hoa Kỳ, lòng tham của Phố Wall hay sự tàn nhẫn của giới bất động sản khổng lồ tại New York. Chính vì thế, trong vài tuần qua, tôi đã chủ động gọi điện, nhắn tin cho một số nhân vật - những người không phải mắc kẹt trong căn hộ nhỏ bé tại New York - như tôi đây, nơi mà chúng ta luôn giật mình thon thót mỗi khi nghe thấy âm thanh đáng sợ từ xe cấp cứu, một âm thanh đang xuất hiện ngày một thường xuyên hơn. 

Khác với tôi, một số người mà tôi đã nói chuyện đang “nghỉ ngơi” tại những nơi họ cảm thấy tương đối an toàn. Một tỷ phú của quỹ đầu cơ nổi tiếng đang ở trang trại rộng lớn của mình tại Texas; người khác lại đang cách ly với các thành viên gia đình trong khu Vườn nho Martha; hay một cặp đôi đại gia nghỉ dưỡng trong một biệt thự trên đảo Harbor, Bahamas hoặc một vài cá nhân thích mạo hiểm lại thuê du thuyền trên Long Island Sound….

Sẽ là không công bằng khi nói rằng những người này đang sống mà không phải cảm thấy sợ hãi. Bởi nếu bạn cần bất kỳ bằng chứng nào để thấy rằng virus không “phân biệt giàu sang”, thì hãy tìm đọc về những trường hợp nhiễm bệnh của chủ sở hữu đội Knicks James Dolan, diễn viên Tom Hanks, Thủ tướng Anh Boris Johnson hay Thái tử Charles của Hoàng gia Anh…

“Chúng tôi chỉ đang cố gắng làm hết sức mình cho bản thân và gia đình. Bạn không thể đổ lỗi cho chúng tôi vì điều đó,” một triệu phú với 3 ngôi nhà vùng ngoại ô đã nói với tôi như vậy.

Tất cả mọi người tôi hỏi chuyện đều đồng ý trả lời với điều kiện giấu tên; và tất cả đều cảm thấy họ có khả năng thoát khỏi Covid-19 nếu không bị mắc kẹt trong các khu vực có mật độ dân số cao như New York… Tôi cũng muốn nói thêm rằng những người tôi nói chuyện cùng không đại diện cho toàn bộ những người giàu có tại Hoa Kỳ. Rất nhiều tài chính gia lớn Phố Wall vẫn đang làm việc tại New York và chắc chắn các tỷ phú như Bill Gates đều đã tài trợ rất nhiều cho các nghiên cứu và quỹ hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.

Nhưng, mặc dù bản thân những người giàu có không miễn dịch với dịch bệnh, nhưng sự sung túc và tiền bạc giúp họ bảo vệ mình một cách dễ dàng hơn. Không giống như những người lao động bình thường - những người hoàn toàn phải phụ thuộc vào tiền lương hàng tuần để sinh sống, giới thượng lưu có khả năng áp dụng các biện pháp tự cách ly sớm hơn nhiều so với người lao động có thu nhập thấp. 

Nhóm 1% những người kiếm tiền hàng đầu tại Mỹ, tất nhiên, có thể chuẩn bị cho việc cách ly tốt hơn hẳn so với chúng ta. Thậm chí, một số người ở Hamptons còn dường như đang tận hưởng sự thư thái. Họ có thể đang chơi golf, làm vườn hay so sánh những ghi chú về vấn đề vệ sinh. Một người tôi biết thậm chí còn có đồ ăn được vận chuyển từ New York đến tận nơi mỗi ngày. Đó là một trải nghiệm khác hẳn với những gì mà nhân viên y tế hay người công nhân phải bắt tàu điện ngầm hay ăn vội chút gì đó để đến nơi làm việc. 

Đối với một số người giàu có mà tôi đã nói chuyện, một vấn đề “gây đau đầu” và thậm chí còn cấp bách hơn so với triệu chứng của virus Covid-19 là sự phân nhánh có thể xảy ra khi nền kinh tế đóng cửa - nhưng thậm chí, điều đó còn ít có ý nghĩa hơn bạn nghĩ, khi một số đơn vị đang được nhận được quyết định tạm hoãn nộp thuế nhờ gói kích cầu hỗ trợ kinh tế. Một điều khoản trong dự luật mới cho phép các nhà phát triển bất động sản thương mại bù đắp tổn thất từ việc mất giá của toà nhà bằng việc tạm hoãn nộp thuế từ những khoản đầu tư khác…

Một ông trùm bất động sản nói với tôi rằng ông ta đã mở ngay một chai sâm panh bên cạnh hồ bơi vào ngày mà Đạo luật CARES được quốc hội thông qua. 

“Một số người sẽ trở nên rất giàu nhờ vào việc này,” lời từ một người khác mà tôi biết làm việc trong ngành kinh doanh thiết bị chăm sóc sức khoẻ. 

Tiến sĩ dịch tễ học từ trường ĐH Havard Ashwin Vasan có chia sẻ về với tôi về việc ông cảm thấy lo ngại khi những cá nhân giàu có đã chuẩn bị cho riêng họ những chiếc máy thở tân tiến “phòng khi cần thiết”. Điều này lại diễn ra vào thời điểm khi chính phủ và các quốc gia đang lo lắng về việc thiếu thốn nguồn cung y tế thiết yếu cho người bệnh.

Có hai người tôi biết nói rằng họ đã “chắc cốp” dự phòng được một số loại thuốc như thuốc điều trị sốt rét, hydroxychloroquine - những thành phần vẫn đang trải qua thử nghiệm lâm sàng như một khả năng nhưng chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả cho việc điều trị Covid-19.

Tiến sĩ Vasan cho biết, bất cứ bác sỹ nào cung cấp những loại thuốc như vậy cho bệnh nhân tích trữ là vô trách nhiệm và gây nguy hiểm cho ngừoi khác. Tuy nhiên, một số đại gia tại Hamptons lại nói với tôi rằng họ cảm thấy an toàn và yên tâm bởi có sẵn những bác sĩ hay những nhân viên y tế riêng (có thể với mức phí lên đến hàng nghìn USD/tháng) sẽ đến tận nhà khi có yêu cầu. 

Nhà tư tưởng, tiến sĩ Amanda Foreman cho biết, tư duy “tự cứu lấy thân” của những người giàu có nói riêng không phải là điều gì mới. “Trong thế chiến thứ hai, khi mà nạn đói xảy ra khắp nước Anh, thì những người giàu có, nếu muốn, họ vẫn sẽ đến ăn tối tại khách sạn Ritz,” bà nói.

Nhưng điều trớ trêu của cách tiếp cận với tinh hoa trong thời đại mới lại có thể gây ra những tác dụng ngược lại, theo tiến sĩ William Haseltine, nhà sinh vật học và cựu giáo sư y khoa tại Havard, người gần đây đã chủ trì một hội nghị thượng đỉnh về sức khoẻ Hoa Kỳ - Trung Quốc tại chính tâm chấn đại dịch bệnh này - thành phố Vũ Hán.

Theo tiến sĩ Haseltine, những người vội vã rời khỏi thành phố đã tự đặt mình vào nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với việc ở lại và thực hiện cách ly kiểm dịch cẩn thận. Họ đang tự “rời khỏi” những bệnh viện tốt nhất. Tiến sĩ Haseltine cho rằng “đó là một sai lầm cơ bản” khi bạn tưởng mình sẽ an toàn hơn trong một không gian mở. “Thật thoải mái khi ở một ngôi nhà thôn quê… Mọi người nghĩ rằng họ có nhiều quyền kiểm soát hơn… Bạn có nhiều không gian hơn… Bạn không nằm trong "số đông"… nhưng tất cả chỉ là vấn đề tâm lý.”

Nguy cơ của Covid-19, theo tiến sĩ, tương đương với số người bạn gặp có khả năng nhiễm bệnh. Nó không giống như dịch hạch ở London do bọ chét và chuột. Với Covid-19, không có lý do gì để nghĩ, người ở ngoại ô hay nông thôn ít bị nhiễm bệnh hơn người dân tại thành phố đông đúc.

Và ở đâu đó trong tất cả mọi sự rối ren này, một vấn đề xã hội, về con người bỗng trở nên rõ ràng hơn cả. Người ta nói rằng, những bộ phận của xã hội trong thời Covid-19 có thể chia gọn thành “Nhóm làm ra” và “Nhóm lấy đi”. 

Nếu bạn thuộc “Nhóm lấy đi”, thì bạn chỉ luôn biết tập trung vào mình, vào sự sống sót của riêng mình. Nhưng nếu bạn là “Nhóm làm ra”, bạn sẽ tìm cách đóng góp cho cộng đồng qua nhiều hình thức khác nhau, như việc nghiêm túc chấp hành quy định cách ly vì cộng đồng, tình nguyện giúp đỡ người già yếu hay cùng nhau quyên góp hỗ trợ cho chính phủ và người bệnh…"

Bài viết của tác giả Vicky Ward - một phóng viên cấp cao tại CNN.

Bà là Cựu biên tập viên của Tạp chí Talk, cựu biên tập viên của Vanity Fair; tác giả của các cuốn sách như “The Devil’s Casino”, “The Liar’s Ball” và “Kushner, Inc”.

Các quan điểm trong bài viết là của riêng tác giả.

Nguồn: CNN

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm