Theo ông Hiếu, vào đầu tháng 3, Chính phủ thông báo chính thức có gói tín dụng 250.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại tham gia cho vay (chứ không phải từ ngân sách nhà nước).
Sau đó ít lâu, NHNN cho biết gói tín dụng đã nâng lên 285.000 tỷ đồng khi có thêm nhiều ngân hàng muốn tham gia, và gần đây Thủ tướng cho biết hiện gói tín dụng của các ngân hàng đã lên tới 300.000 tỷ đồng.
Đến ngày 17/4, gói tín dụng này được nâng quy mô lên hơn 600.000 tỷ đồng không chỉ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cả nhóm các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn và cả khách hàng cá nhân.
Với quy mô lên tới 600.000 tỷ đồng nhưng ông Hiếu đặt ra câu hỏi rằng: liệu ai hay doanh nghiệp nào sẽ được vay trong gói này. Có phải là những doanh nghiệp hộ kinh doanh đang lao đao trong dịch bệnh, hay lại là những khách hàng VIP của ngân hàng, những công ty lớn, những đại công ty, những doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Do đó, ông Hiếu cho rằng, NHNN nên có thông tin về những đối tượng được hưởng gói hỗ trợ này. Bởi vẫn có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ “than” không thể tiếp cận được những chính sách hỗ trợ do ngân hàng trả lời “chưa có hướng dẫn, đang chờ hướng dẫn”.
Dẫn chứng cho sự khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Hiếu đưa ra số liệu của VCCI cách đây không lâu đã có 35.000 doanh nghiệp đóng cửa chỉ trong 3 tháng đầu năm, hiện con số này đã tăng gấp đôi.
"Tôi nghĩ cứ thế này bao nhiêu ngàn doanh nghiệp sẽ lao đao khốn khó. Thế thì gói nào cho những doanh nghiệp đó? Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần một gói riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và phải ở mức độ ít nhất 2% GDP lên khoảng 150.000 tỷ đồng", ông Hiếu đề xuất quan điểm.
Về gói này ông Hiếu cho rằng các doanh nghiệp cho họ vay có thể qua cơ chế Quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện chúng ta có quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ đó bảo lãnh cho các ngân hàng thương mại nếu cho vay mà doanh nghiệp không trả được thì quỹ bồi thường cho các ngân hàng.
"Hãy dùng quỹ bảo lãnh tín dụng đó, chính phủ chưa phải bỏ ra đồng nào cả. Quỹ bảo lãnh tín dụng đó mới bảo lãnh thôi, chỉ khi nào bồi thường thì Chính phủ mới phải bỏ tiền ngân sách ra bồi thường. Còn bây giờ hãy dùng quỹ bảo lãnh tín dụng đó, dùng uy tín của Chính phủ bảo lãnh cho các ngân hàng và các ngân hàng dùng tiền của mình để cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tôi đề nghị nếu có món vay nào cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hãy cho họ vay và có thời gian ân xá một năm cả gốc và lãi để khi nền kinh tế hồi phục rồi bây giờ sẽ có chương trình trả nợ", ông Hiếu đề xuất giải pháp cấp bách.
Ngoài việc đề nghị gói tín dụng riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên gia này còn đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước nên xem xét để xây dựng, thành lập một ngân hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ông Hiếu, một ngân hàng như thế rất quan trọng tại thời điểm này, bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài kia chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam