Mới đây, VPBank vừa có thông báo về việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm dành cho những doanh nghiệp chịu tác động lớn từ dịch nCoV, hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi; lưu trú, tour du lịch, nhà hàng – ăn uống; đại lý du lịch; các dịch vụ đặt chỗ (đặc biệt tại các tỉnh về du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang ); các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc như nông, thủy sản; các khách hàng mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính là từ Trung Quốc…
Hành động kịp thời
Đại diện VPBank cho hay, ước tính tổng số khách hàng của VPBank bị tác động đợt này lên tới gần 1.000 doanh nghiệp và có chiều hướng gia tăng trong thời gian tới nếu dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Tương tự, KienLongBank cũng cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay với mức 3%/năm với các khách hàng đã vay vốn trong thời gian qua với mục đích trồng thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chôm chôm... Thời gian áp dụng giảm lãi suất từ ngày 1-2 đến 30-4. Ngoài giảm lãi vay ngân hàng còn miễn tiền phạt quá hạn.
Trong khi đó, ABBank triển khai gói tín dụng 4.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho vay dành cho khách hàng mới nhằm giúp tháo gỡ khó khăn về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
ABBank cho biết sẽ chủ động xem xét với từng đơn vị trong lĩnh vực cụ thể, đưa ra ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường, và từ 3%/năm với cho vay trung dài hạn.
Các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, TPBank, Sacombank… cũng đang rà soát để đưa ra chính sách và hỗ trợ phù hợp từng đối tượng, lĩnh vực chịu ảnh hưởng do dịch nCoV.
Phía HDBank, ngân hàng này hỗ trợ các doanh nghiệp về thiết bị, vật tư y tế trong lúc nhu cầu về các mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn tăng cao do dịch bệnh.
Cụ thể, HDBank sẽ miễn 100% phí thanh toán quốc tế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị vật tư y tế. Ngân hàng này đồng thời giảm 50% phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa, và giảm một nửa phí phát hành các loại bảo lãnh so với quy định hiện hành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Như vậy, nếu áp dụng mức giảm lãi suất trên, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí, từ đó bù đắp cho các thiệt hại mà dịch nCoV gây ra.
Được biết, động thái trên của các ngân hàng nhằm hưởng ứng văn bản số 541/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 4/2/2020 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch do virus Corona.
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng một lần nữa yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có giải phải cụ thể hỗ trợ cho những doanh nghiệp, khách hàng trong hoàn cảnh như hiện nay.
Đồng thời, theo dõi để đánh giá tình hình thực tế, tổn thất của doanh nghiệp trên địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương báo cáo Trung ương để có những giải pháp rộng hơn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Có thể bị rò rỉ vốn
Theo đánh giá của các chuyên gia, động thái “gỡ khó” cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người nông dân bị thiệt hại do dịch nCoV vừa qua của các ngân hàng sẽ giúp họ vượt qua khủng hoảng.
Tuy nhiên, TS. Nguyên Đức Thành – chuyên gia tài chính cho rằng, các biện pháp điều chỉnh lãi suất lúc này cần thận trọng bởi có thể tác động đến nhiều ngành khác thay vì các ngành bị tổn thương nặng nề hơn như du lịch hay nông nghiệp.
Ông Thành lo ngại kênh truyền dẫn tiền tệ khi nới lỏng có thể bị chuyển sang thị trường bất động sản dẫn đến bong bóng không cần thiết, gây tác động đến toàn nền kinh tế. Do đó, sử dụng công cụ tín dụng cần có sự chọn lọc nhất định. Vốn cần được bơm vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cụ thể vì dịch virus nCoV như du lịch, xuất khẩu nông sản...
Chia sẻ kinh nghiệm của một người làm chính sách, ông Thành cho biết, trong những cuộc khủng hoảng của Việt Nam của 15 năm qua, việc lạm dụng chính sách vĩ mô chỉ giải quyết được các vấn đề tâm lý ngắn hạn mà không có nhiều hiệu quả cụ thể trong ngành.
Trong năm 2020, tình hình khu vực, thế giới đang phải đối mặt với những biến động khó lường, gần đây nhất là dịch bệnh nCoV có diễn biến phức tạp đe dọa tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế tiếp tục giảm. Vì thế, hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam được nhận định sẽ đối mặt với không ít khó khăn.
Do đó, lãi suất tiếp tục là một ẩn số trong năm 2020. Tuy nhiên, kịch bản lãi suất giảm hoặc duy trì ổn định được đánh giá nhiều khả năng xảy ra hơn là kịch bản lãi suất tăng.