Grab Việt Nam đứng trước nguy cơ đối đầu với 'vua gọi xe' Trung Quốc

Có vẻ như niềm vui của Grab sẽ không kéo dài quá lâu, bởi 2 trong số những ứng dụng gọi xe lớn nhất trên thế giới cũng đang nhăm nhe tham chiến thị trường Việt Nam.
Grab Việt Nam đứng trước nguy cơ đối đầu với 'vua gọi xe' Trung Quốc

Với việc Uber đầu hàng tại thị trường Đông Nam Á, Grab đã cho thấy mình có một chiến lược đầu tư đúng đắn, trong đó khai thác triệt để thế mạnh của doanh nghiệp bản địa.

Mặc dù vậy, cái giá phải trả cũng không hề nhỏ. Theo công bố từ Bộ Tài chính, trong 3 năm có mặt tại Việt Nam, Grab đã báo lỗ lũy kế tới 983 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ đến từ việc đầu tư mở rộng thị trường và hoạt động khuyến mãi. Thông qua những mã code giảm giá mỗi chuyến đi, Grab dễ dàng lôi kéo người dùng dù giá cước niêm yết không hề rẻ hơn taxi truyền thống.

Do đó, với việc Uber bị Grab thâu tóm, nhiều ý kiến lo ngại Grab sẽ nắm giữ vị thế độc quyền. Đồng nghĩa, hoạt động khuyến mãi, giảm giá có thể sẽ dần thay đổi. Trong một buổi hội thảo gần đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO Grab Việt Nam cũng đã bóng gió về việc "không thể có khuyến mãi suốt đời".

Về cơ bản, nghi ngại trên là hoàn toàn có cơ sở, nhất là khi Grab giờ đây chỉ còn "một mình một sân". Tuy nhiên, theo những thông tin mới nhất, có vẻ như niềm vui của Grab sẽ không kéo dài quá lâu, bởi 2 trong số những ứng dụng gọi xe lớn nhất trên thế giới cũng đang nhăm nhe tham chiến thị trường Việt Nam.

'Vua gọi xe' Trung Quốc nhăm nhe nhập cuộc

Grab Việt Nam đứng trước nguy cơ đối đầu với 'vua gọi xe' Trung Quốc ảnh 1

Đây là thông tin được ông Nguyễn Xuân Thủy - Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải chia sẻ tại một buổi tọa đàm trực tuyến diễn ra vào ngày 6/4 vừa qua. Ông Thủy cho biết, Didi Chuxing - ứng dụng gọi xe của Trung Quốc đã gửi hồ sơ lên bộ này nhưng cơ quan chức năng chưa xem xét vì thời điểm chưa phù hợp.

Được biết, Didi Chuxing là startup giá trị lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Uber và hiện đang được định giá 50 tỷ USD sau khi huy động được hơn 5,5 tỷ USD vào tháng 4/2017.

Ra đời năm 2012, dưới sự dẫn dắt của nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Cheng Wei, Didi chỉ trong vòng 5 năm đã mở rộng phạm vi hoạt động ra 400 thành phố tại Trung Quốc, cho phép người dùng đặt và thanh toán điện tử đối với các loại xe taxi, xe tư, limousine, xe buýt công cộng.

Chỉ riêng năm 2015, Didi đã thực hiện hơn 1,43 tỷ cuốc xe. Vào tháng 2/2016, Didi trở thành nền tảng giao dịch trực tuyến lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Alibaba. Các nhà đầu tư của Didi gồm: Softbank, Silver Lake Kraftwerk, China Merchants Bank và một chi nhánh của Bank of Communications.

Những nỗ lực và thành quả của việc gây quỹ cho thấy Didi Chuxing được đánh giá rất cao tại thị trường Trung Quốc - nơi có nền tảng Internet rất mạnh cùng số người sử dụng smartphone lớn nhất thế giới.

Thực tế cho thấy, tuy những công ty Internet của Trung Quốc rất sáng tạo tại thị trường trong nước nhưng vẫn còn tương đối mờ nhạt tại thị trường nước ngoài so với các công ty đến từ những nền kinh tế đi trước như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với Didi, phát triển kinh doanh trong nước và nước ngoài là bổ sung cho nhau.

Chiến lược kinh doanh của Didi là gián tiếp mở rộng sự hiện diện của mình mà không cần phải kinh doanh trực tiếp ở nước ngoài, thông qua việc hỗ trợ các đối thủ của Uber bằng nguồn lực và kinh nghiệm.

Didi Chuxing không chỉ đại diện cho sự năng động của Trung Quốc mà là của các quốc gia đang phát triển khác. Ở đó, các công ty địa phương với nền tảng startup và học hỏi công nghệ nhanh chóng đang gây ra rất nhiều khó khăn không chỉ các startup mà còn các công ty đa quốc gia đến từ thế giới phát triển.

Mặc dù vẫn còn sớm để nói về thành công hay phát triển bền vững, nhưng Didi Chuxing đã cho thấy những dấu hiệu tích cực trong thời buổi công nghệ và lợi thế cạnh tranh biến đổi không ngừng. Với tham vọng mở rộng như vậy, Didi tiến tới sẽ không chỉ là đối thủ cạnh tranh của Uber, Grab, mà tương lai xa thậm chí là cả Google.

'Kỳ lân' Indonesia nhắm tới thị trường Đông Nam Á

Grab Việt Nam đứng trước nguy cơ đối đầu với 'vua gọi xe' Trung Quốc ảnh 2

Bên cạnh Didi Chuxing, Go-Jek ở Indonesia cũng được cho là đang mong muốn tìm hiểu, tham gia thị trường Việt Nam.

Go-Jek được biết đến là startup tỷ đô đầu tiên của Indonesia. Thành lập năm 2010 tại Jakarta bởi nhà sáng lập Nadiem Makarim, startup này bắt đầu với khoảng 20 tài xế, sau này là 200.000 người, bao gồm nhiều lĩnh vực như: xe máy, xe hơi và cả xe tải.

Sau đó là giai đoạn phát triển thần kỳ của Go-Jek, khi ứng dụng của công ty được tải về 7,5 triệu lần. Đến giữa năm 2017, Go-Jek đã đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia nói chung và 95% thị trường giao nhận đồ ăn nói riêng.

"Ứng dụng gọi xe Go-Jek được định giá 5 tỷ USD

Thế mạnh của Go-Jek là hệ sinh thái "một ứng dụng cho tất cả nhu cầu", xây dựng nhiều dịch vụ xoay quanh hoạt động gọi xe, từ gọi xe, giao đồ ăn, đặt vé sự kiện, mát-xa tại nhà cho đến thanh toán di động.

Bên cạnh đó, Go-Jek còn tỏ ra rất am hiểu thị trường gọi xe tại Đông Nam Á, cũng như tính bản địa của thị trường mà startup này "tham chiến". Go-Jek sẽ tự mình tuyển dụng các nhân sự bản địa, vốn thông thạo thị trường "sân nhà" để tiến hành đổ công nghệ, tài chính và cả kinh nghiệm quản lý vào một lúc.

Năm ngoái, Go-Jek đã mở văn phòng tại Singapore với dịch vụ Go-Car tại Singapore - mô hình giống với GrabCar và UberX, khách hàng có thể thanh toán linh hoạt bằng tiền mặt hoặc thẻ.

Sau đó, startup này tiếp tục lên kế hoạch mở rộng ra thị trường Đông Nam Á gồm các quốc gia Philippines, Thái Lan và Việt Nam ngay trong năm nay.

Tính cho tới thời điểm hiện tại, Go-Jek được định giá 5 tỷ USD, với sự chống lưng của các ông lớn như: Google, JD.com, Tencent và cả Rakuten.

Theo The Leader

Có thể bạn quan tâm