Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút FDI

Theo báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội ước đạt gần 6,3 tỷ USD (6.265 triệu USD), tăng 5,4 lần so với cùng kỳ, vượt 64% kế hoạch cả năm,
Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút FDI

Ngã Tư Sở, giao lộ giữa đường Láng, Trường Chinh, Nguyễn Trãi và phố Tây Sơn (quận Đống Đa) nhìn từ hướng ngã tư Tôn Thất Tùng - Lê Trọng Tấn - Ảnh: Zing.vn

Trong đó, cấp mới 417 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới 5.173 triệu USD; tăng vốn 116 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 661 triệu USD; chấp thuận góp vốn mua cổ phần của 543 nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 431 triệu USD (bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% vốn điều lệ). Các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách ước thực hiện 70 dự án, tổng mức đầu tư ước đạt 163 nghìn tỷ đồng; có 41 dự án điều chỉnh quy mô vốn, tăng 86 nghìn tỷ đồng. Đối với các dự án theo hình thức PPP, đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 04 dự án, tổng mức đầu tư 14.427 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 04 dự án, tổng mức đầu tư 13.942 tỷ đồng.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp và chương trình nhằm khuyến khích thành lập doanh nghiệp. Phát triển kinh tế tư nhân được Thành phố quan tâm chỉ đạo toàn diện. Thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, được Thành phố tiếp tục quan tâm. Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, đồng thời tích cực đôn đốc các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.

Mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được đẩy mạnh. Duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đồng thời đảm bảo thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan trong vòng 03 ngày (trừ giải thể doanh nghiệp). Đã xây dựng, trình HĐND xem xét phê duyệt và tổ chức triển khai Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty.

Ước tính trong 9 tháng đầu năm 2018, cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 18.680 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 204.530 tỷ đồng (tăng 1% về số lượng và tăng 39% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), thực hiện thủ tục giải thể cho 1.151 doanh nghiệp (tăng 24% so với cùng kỳ), doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 5.300 doanh nghiệp (tăng 38% so với cùng kỳ).

Trước đó, Hà Nội vẫn là khu vực dẫn đầu về thu hút vốn nước ngoài trong nửa đầu năm 2018.

Trong thời gian tới, Hà Nội và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô, Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục ưu tiên và kêu gọi đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch và các dự án liên kết, phát triển Vùng, các ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ... Đây cũng là điều khiến Hà Nội trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. 

>> 30 năm thu hút FDI: Nhìn lại quyết định mang tính lịch sử

Có thể bạn quan tâm