Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Lê Văn Quân, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô tiếp tục lớn mạnh với gần 22.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong 10 tháng năm 2018 (tăng 5% so với cùng kỳ), số vốn đăng ký đạt 234.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay lên 252.000 doanh nghiệp.
Tại Hà Nội hiện có 119 trường đại học, cao đẳng và học viện, nhưng ít trường có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại trường. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có BK-Holdings, Đại học Quốc gia Hà Nội có Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp..., song kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất còn hạn chế; không gian khởi nghiệp (Co-working Space) cho sinh viên và cộng đồng startup vẫn phải đi thuê và chật hẹp; chưa có không gian - cơ sở hạ tầng chức năng cho bộ phận thiết kế, thử nghiệm. Vì vậy, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Mới đây tại Ngày hội khởi nghiệp Thủ đô 2018, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản cho rằng, việc kết hợp tri thức sáng tạo, vận dụng các sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ những trung tâm nghiên cứu, trường đại học và triển khai thực hiện trong đội ngũ cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô là thuận lợi cơ bản giúp phát triển phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.
Từ năm 2016, hưởng ứng tinh thần quốc gia khởi nghiệp, Thành phố đã quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại. Cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai, rút ngắn thời gian gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh để hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.
Thành phố cũng ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp và triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn.
“Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 400.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công và doanh nghiệp startup gọi được vốn đầu tư từ những quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 0,1% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp.
Để tiếp tục thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trong thời gian tới chính quyền Thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai hình thành mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo Thủ đô, góp phần củng cố mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng khởi nghiệp nói chung và cả nước.
Ngoài ra, chính quyền Thành phố cũng đặt trọng tâm nội dung khơi dậy và phát huy tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố giai đoạn 2018-2020.
Chia sẻ về Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, Đề án đã được Sở phối hợp cùng các cơ quan Trung ương, chuyên gia, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo hoàn thiện, sẽ trình HĐND Thành phố và UBND Thành phố thông qua vào đầu năm 2019. Trong đề án có nhiều biện pháp mạnh nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội.
Cụ thể là tăng cường truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp. Khâu phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp sáng tạo cũng được trú trọng như đào tạo cho cán bộ của một số sở, ngành, doanh nghiệp… các kiến thức chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó là phát triển cơ sở hạ tầng cho khởi nghiệp sáng tạo như không gian làm việc chung, không gian sáng chế… Tăng cường thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Thủ đô.
Đặc biệt là việc hình thành các quỹ khởi nghiệp của Thành phố cũng như của tư nhân để hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp. Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển những sản phẩm mới có tính đột phá cũng như hỗ trợ thương mại hoá các sản phẩm này...
>> Thí sinh Việt Nam vào top 10 cuộc thi khởi nghiệp quốc tế Hong Kong