Theo kế hoạch từ năm 2018-2020, Hà Nội sẽ về triển khai mô hình hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP. Hệ thống đã phân ra 3 cấp thành phố; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Các điểm cảnh báo ATTP sẽ tiếp nhận, xử lý thông tin, đưa ra biện pháp quản lý cảnh báo về ATTP trên địa bàn Thành phố, từ đó đưa ra các biện pháp cảnh báo cho cộng đồng.
Tại các Điểm cảnh báo ATTP, các thông tin về mất ATTP, ô nhiễm thực phẩm ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; ý thức thực hành của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP; ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm và các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại tới sức khỏe con người sẽ được tiếp nhận để xử lý.
Khi đã xác định quy mô, thành lập ngay các đoàn kiểm tra, xác minh nguồn thông tin về ATTP được tiếp nhận; điều tra xử lý về ngộ độc thực phẩm, bệnh lây truyền qua thực phẩm; kiểm tra, giám sát ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp; kiểm tra hậu kiểm chất lượng ATTP. Sau khi xử lý thông tin tiếp nhận, đưa ra các biện pháp, tuyên truyền cho cộng đồng, cảnh báo nguy cơ tùy từng trường hợp cụ thể.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, song song với việc triển khai các biện pháp quản lý, giám sát ATTP, việc tuyên truyền để người dân nhận thức, nói không với thực phẩm bẩn cũng vô cùng quan trọng. Người dân cần kiên quyết tẩy chay, không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ...